Để game online trở thành ngành công nghiệp văn hoá

Minh An - Vy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, thị trường game online (trò chơi trực tuyến) đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, số lượng game được cấp phép và phát hành tại thị trường Việt Nam tăng theo hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay ngành game chưa có đầy đủ khung pháp lý đảm bảo cho sự phát triển tối ưu.

Ngành công nghiệp game phát triển

Sự kiện đáng chú ý đầu tiên trong quá trình phát triển của game online Việt Nam là việc dịch vụ ADSL (cung cấp đường truyền internet) đầu tiên được cung cấp vào tháng 6/2003. Từ sau dấu mốc này, với việc xuất hiện nhiều hơn cửa hàng kinh doanh internet tốc độ cao, cộng đồng game online hình thành với số lượng ngày càng tăng. Hầu hết thế hệ 8x, 9x đến những cửa hàng game online thời điểm năm 2003, đều nghe hoặc trải nghiệm “cơn sốt” MU “lậu” và Gunbound (phẩm bắn súng theo lượt trực tuyến của Asiasoft, năm 2004); Võ Lâm truyền kì (năm 2005), Audition (tháng 6/2005).

Quang cảnh nhà thi đấu bộ môn PUBG Mobile tại SEA Games 31. Ảnh: Duy Khánh.
Quang cảnh nhà thi đấu bộ môn PUBG Mobile tại SEA Games 31. Ảnh: Duy Khánh.

Cuối 2006, cộng đồng game thủ bước đầu được hình thành có tổ chức. Các nhà phát hành không còn chỉ tập trung vào việc phát triển các hình thức chơi mà mà đã chuyển sang một giai đoạn không kém phần quan trọng đó là tổ chức các sự kiện, thực hiện các chiến lược PR. Xuất hiện các cuộc thi Miss Audition, các giải đầu lớn như “Thiên hạ đệ nhất bang” của Võ Lâm Truyền Kỳ, các buổi offline giữa game thủ và các nhà phát hành làm cho cộng đồng game thủ đã bước đầu được hình thành có tổ chức.

Đầu năm 2008, giải đấu thể thao điện tử chính thức chào đời, khởi điểm là giải đấu dành riêng cho sản phẩm CrossFire. Sau 2 năm phát triển, giải đấu thể thao điện tử là minh chứng cho "tiềm năng" thi đấu của các game online - thể loại mà trước đó theo nhiều game thủ chỉ nhằm mục đích giải trí.

 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ TT&TT, năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Tuy nhiên, doanh thu thực tế có liên quan tới ngành này của người Việt lớn hơn rất nhiều.

Hiện nay, ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến Việt Nam đã có những bước tiến mới. Đặc biệt, trong SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, thể thao điện tử là môn thi đấu được tiến hành tổ chức hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Thể thao điện tử có tổng cộng 10 bộ huy chương thuộc 8 tựa game: Liên minh huyền thoại, Liên quân mobile, FIFA Online 4, Free Fire, Liên minh huyền thoại Tốc chiến, PUBG Mobile, Mobile Legend Bang bang và Đột kích.

Quản lý, khai thác tiềm năng

Ngoài số lượng các trò chơi trực tuyến do Việt Nam phát hành không ngừng tăng thì doanh thu của các DN cung cấp trò chơi trực tuyến trên mạng cũng không ngừng tăng.

Khán giả cổ vũ đội tuyển Esport Việt Nam tại SEA Games 31.
Khán giả cổ vũ đội tuyển Esport Việt Nam tại SEA Games 31.

Điều có thể nhận thấy rõ nhất là bên cạnh việc tạo hàng chục ngàn việc làm, ngành game cũng đang tạo ra một ngành sáng tạo, khai thác nội dung số từ game. Đó là các game thủ, streamer (những người phát sóng trực tiếp trên các nền tảng internet khi chơi game) như ViruSs, Dũng CT, Thầy Giáo Ba, PewPew, Xemesis, Linh Ngọc Đàm, Nam Blue, Độ Mixi, Cris Phan.

Báo cáo Tổng quan Gaming Creators Việt Nam, các Creators (nhà sáng tạo nội dung) khi livestream trên các nền tảng, ngoài việc nhận được lương stream cố định, có thể nhận được phần doanh thu chia sẻ từ các quảng cáo ad-break chạy trên livestream. Có đến 40% Creators trả lời rằng, họ đã nhận được doanh thu cộng hưởng từ công việc và danh tiếng. Nguồn doanh thu đó có thể đến từ các hợp đồng quảng cáo, tham gia sự kiện hoặc từ các nhà tài trợ, với con số từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý game online trên thực tế vẫn còn nhiều lỗ hổng như về giới hạn độ tuổi, thời gian chơi game, game không được cấp phép dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc.

Theo ThS Phạm Thị Nhung - Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Việc quản lý thị trường trò chơi trực tuyến trong bối cảnh thị trường này đang phát triển từng ngày từng giờ thực sự là một bài toán khó đối với không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn với cả toàn xã hội.

Trong tình hình thị trường ngày càng có nhiều biến động, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp mới với thị trường này. Bài học từ các chính sách phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến của Trung Quốc đã gợi mở cho Việt Nam một số kinh nghiệm như tăng cường xây dựng luật và quy định.

“Chúng ta cần phân tích chính sách trò chơi và môi trường. Đồng thời cần nghiên cứu xây dựng phương thức quản lý phê duyệt trò chơi trực tuyến, bao gồm cả trò chơi di động, chuẩn hóa trình tự phát hành và vận hành trò chơi trực tuyến. Xây dựng quy định về danh mục trò chơi trực tuyến sẽ phát hành trong năm tiếp theo. Quy định này nhằm mục đích kiểm soát và nắm bắt trước tình hình phát hành game online để qua đó các bộ ban ngành sẽ có được một cái nhìn tổng quan và sâu rộng cũng như dự báo được những tác động của nó, qua đó sẽ có những chính sách ban hành để góp phần ổn định và điều tiết thị trường game online hoạt động một cách hiệu quả” - ThS Phạm Thị Nhung chia sẻ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng cơ quan chức cần nâng cao công tác quản lý xét duyệt, hướng dẫn DN chuẩn hóa hoạt động của mình. Đòng thời hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là ngành trò chơi trực tuyến. Có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các DN văn hóa ngoài công lập tham gia xuất bản trò chơi trực tuyến, khuyến khích và hỗ trợ các công ty phát hành trò chơi trực tuyến. Tăng cường các hình thức hợp tác với các công ty phát hành truyền thông.