Để học sinh bớt căng thẳng, áp lực trước kỳ thi vào lớp 10

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau khi Hà Nội công bố 3 môn thi vào lớp 10 công lập, các trường học trên địa bàn TP tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy và học với học sinh lớp 9 để vừa hoàn thành chương trình, kế hoạch dạy học, vừa tập trung ôn tập 3 môn thi cho học sinh.

Tăng cường ôn tập và khảo sát chất lượng

Thời điểm này, các trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội bước vào giai đoạn nước rút cho công tác dạy học, ôn tập với học sinh lớp 9 để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 diễn ra vào đầu tháng 6/2024.

Đã nhiều năm nay, trước kỳ thi vào lớp 10, Trường THCS Trưng Vương - quận Hoàn Kiếm lại tổ chức các “tiết 0” dành cho học sinh lớp 9. Tiết học được bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng đến 7 giờ 25 – trước khi tiết 1 bắt đầu. 

Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm dạy
Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm dạy "tiết 0" môn ngữ văn cho học sinh lớp 9.

Trực tiếp đứng lớp môn ngữ văn, nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương chia sẻ: “Trường có 14 lớp 9 với hơn 500 học sinh, lớp nào mỗi tuần cũng có ít nhất 4 “tiết 0” hoặc tiết học tăng cường. Từng là giáo viên dạy văn nên tôi cũng đăng ký dạy “tiết 0” môn ngữ văn. Tôi tham gia đứng lớp không chỉ để bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh, mà còn mong gần gũi, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em cũng như của phụ huynh…”.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, “tiết 0” là hoàn toàn miễn phí. Nhà trường thông tin các lớp học này để học sinh, phụ huynh biết và tự nguyện đăng ký. Số lượng học sinh đăng ký rất đông, các con đều chịu khó học tập để có kết quả thi cao nhất.

Trước khi tổ chức các “tiết 0” như vậy, nhà trường có bài khảo sát để phân loại học sinh. Với những em có học lực cần quan tâm, thầy cô bộ môn sẽ thiết lập lớp dạy miễn phí cho học sinh trên cơ sở tự nguyện.

Tại Trường THCS Thái Thịnh – quận Đống Đa, nhà giáo Đinh Thị Hồng Châm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chỉ còn 2 tháng nữa là đến kỳ thi lớp 10, Trường THCS Thái Thịnh đã họp bàn với các tổ nhóm chuyên môn để xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng bộ môn. Mỗi tháng, trường đều có bài khảo sát 3 môn toán, văn, tiếng anh cho học sinh lớp 9. Trên cơ sở kết quả bài thi, Ban giám hiệu lại ngồi với tổ nhóm chuyên môn phân loại học sinh và xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể để các em có đủ kiến thức nền, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi vào 10”.

Đồng hành hỗ trợ tâm lý học sinh

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 năm nay dự kiến tăng khoảng 5.000 học sinh so với năm học trước. Toàn TP có 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS; trong đó, số được tuyển vào trường THPT công lập là 81.200 em (khoảng 60%), còn lại khoảng 51.800 em sẽ học các loại hình trường khác (trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường nghề). Do vậy, việc giành được một suất học tại trường THPT công lập thực sự khó khăn, đẩy áp lực của kỳ thi lên cao.

Các nhà trường, cha mẹ cùng đồng hành để giảm áp lực cho học sinh lớp 9
Những giờ ôn tập kiến thức dành cho học sinh lớp 9.

Có con đang là học sinh lớp 9, chị Nguyễn Hải Yến, trú tại quận Hà Đông tâm sự: “Kỳ thi lớp 10 năm nào cũng "nóng" nên gia đình tôi không đặt quá nhiều áp lực lên con mà luôn động viên con học hành nghiêm túc, bám sát bài giảng của cô và nỗ lực để có kết quả như ý muốn”.

 

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học bảo đảm quyền lợi học tập, quyền tham dự kỳ thi cho tất cả học sinh lớp 9 đủ điều kiện. Các nhà trường tuyệt đối không được vận động học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025.

Còn chị Nguyễn Thu Hà, quận Hà Đông cho biết, chị đã đọc và tìm hiểu rất kỹ các văn bản tuyển sinh do Sở GD&ĐT ban hành và nắm chắc được phương án thi cũng như số lượng học sinh tham dự kỳ thi năm nay. Gia đình luôn đặt mục tiêu đỗ công lập nhưng cũng tìm trường dân lập để cho con phương án dự phòng. Ngoài ra, để con cân bằng giữa việc học và giải trí, ngoài việc ủng hộ con tham gia đầy đủ các chương trình ngoại khóa ở trường, gia đình chị thường xuyên cho con đi chơi mỗi dịp cuối tuần.

Làm công tác chủ nhiệm nhiều năm qua, nhà giáo Lê Thị Mão, giáo viên Trường THCS Mậu Lương, quận Hà Đông rất hiểu nỗi lo lắng, căng thẳng của học sinh trước khi bước vào kỳ thi lớp 10. Trước kỳ thi, cô xây dựng kế hoạch ôn tập, đồng thời thường xuyên có bài khảo sát để phân loại, theo sát học sinh. Cô cũng động viên, dặn các con cố gắng hết mình, tự tin vào bản thân, không từ bỏ ước mơ, không quá lo lắng và áp lực.

“Tôi rất thông cảm với tâm lý căng thẳng của cha mẹ học sinh khi có con chuẩn bị thi lớp 10 nên qua các buổi họp hoặc trên trang zalo của lớp, tôi phân tích, chia sẻ để phụ huynh hiểu có nhiều con đường vào cấp III, việc cần thiết và quan trọng của bố mẹ là chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần để con bình tĩnh, thoải mái”, cô Mão nói.

Học sinh Nguyễn Thanh Lâm, lớp 9A01, Trường THCS Thái Thịnh chia sẻ, em và các bạn cũng rất lo lắng trước trước kỳ thi vào 10. Tuy nhiên, qua tìm hiểu qua các kênh thông tin và anh chị khóa trước cùng việc được ôn luyện, rà soát kiến, chúng em đã dần giải tỏa; thấy kỳ thi không còn quá căng thẳng nữa. Chúng em sẽ giữ tinh thần thoải mái để có kết quả ôn tập và thi tốt nhất”.

Trước nỗi lo lắng, trăn trở của phụ huynh về áp lực của kỳ thi, các nhà trường đều lưu ý giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đồng hành, chia sẻ, tương tác với phụ huynh và học sinh để cùng giữ tâm lý vững vàng, tự tin, cùng con vượt qua kỳ thi.

 

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 tại Hà Nội sẽ diễn ra ngày 8- 9/6 với 3 môn thi: ngữ văn (120 phút); toán (120 phút) và ngoại ngữ (60 phút); trong đó toán và ngữ văn thi theo hình thức tự luận; ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với bài thi môn ngoại ngữ, thí sinh được đăng ký một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.

Hà Nội phân chia làm 12 khu vực tuyển sinh theo địa giới hành chính. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng; trong đó nguyện vọng 1 và 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 thuộc khu vực bất kỳ. Điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 và 3 phải cao hơn 1 và 2 điểm so với nguyện vọng 1.