Để người dân yên tâm lựa chọn nông sản an toàn

Thiên Tú – Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu ra cho nông sản vẫn là nỗi trăn trở nhất của người nông dân và vai trò quản lý của Nhà nuớc trong dự báo nhu cầu và can thiệp điều tiết thị trường nông sản còn hạn chế là những tâm tư của cử tri sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ngày 13/6.

Trước khi diễn ra phiên chất vấn, Bộ NN&PTNT được Chính phủ phân công trả lời nhóm vấn đề về giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững. Ngoài ra là công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản”. Tuy nhiên, vấn đề làm nóng nghị trường và được nhiều đại biểu quan tâm nhất lại là tình trạng thịt lợn rớt giá thê thảm thời gian qua.
 Kiểm tra thịt lợn tại chợ đầu mối phía Nam
Tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ cho ngành nông nghiệp nói chung và cho ngành chăn nuôi lợn nói riêng. Trong đó có việc tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi, tăng cường chế biến sâu cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi thông qua các hoạt động ngoại giao, xúc tiến thương mại…Liên quan tới khâu xúc tiến thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, tăng trưởng sản lượng nhanh vẫn có thể giải quyết được nếu làm tốt khâu thị trường. Từ năm 2016, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng đã làm việc với thị trường Trung Quốc để mở cửa chính ngạch nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có thịt lợn.

Liên quan tới phần trả lời này, cử tri Đỗ Thị Mai Hương (phường Quang Trung, quận Hà Đông) chia sẻ: “Với tư cách là người tiêu dùng tôi rất quan tâm đến sản phẩm nông nghiệp đang được bày bán trên thị trường. Theo dõi phiên chất vấn tôi thấy Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương nói về công tác phối hợp khá tốt, tuy nhiên thực tế trên thị trường hiện nay tôi thấy các sản phẩm nông nghiệp còn chưa được quản lý chặt chẽ”. Theo chị Hương, muốn mua một sản phẩm nông nghiệp chất lượng, người tiêu dùng không những chấp nhận giá cao hơn bình thường mà phải tự tìm hiểu thông tin rất kỹ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Nếu ngành Công Thương và NN&PTNT phối hợp tốt hơn thì sẽ có những thương hiệu nông sản an toàn mà người tiêu dùng hoàn toàn an tâm khi lựa chọn sử dụng.

Ở góc độ người trực tiếp sản xuất, ông Trương Văn Nam – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa chia sẻ, để tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, Bộ NN&PTNT cần chủ động và đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác nghiên cứu, sản xuất cây, con giống chất lượng cao. Đơn cử như các giống rau hiện nay, chúng ta vẫn phải nhập từ nước ngoài mà đa phần là Trung Quốc trong khi ngành nông nghiệp nước ta chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Bên canh đó, thực tế tại một số địa phương có dự án trồng rau an toàn chỉ sản xuất và tiêu thụ tốt trong thời gian có sự hỗ trợ của các cấp, ngành còn sau đó không duy trì và phát huy được hiệu quả. Điều này chứng tỏ vai trò cơ quan quản lý Nhà nuớc chưa rõ nét trong dự báo nhu cầu và can thiệp điều tiết thị trường, khiến cho sản phẩm rau an toàn bí đầu ra hoặc bị đánh đồng với sản phẩm rau thường. “Do đó, bài toán đầu ra cho nông sản nói chung vẫn là nỗi trăn trở lớn nhất của nông dân. Bởi, sản phẩm dù có đạt chất lượng, năng suất tốt đến mấy mà đầu ra không ổn định thì nông dân cũng khó mà làm giàu từ sản xuất nông nghiệp” – ông Nam chia sẻ.