Để người Hà Nội tự hào về văn hóa

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ bao đời, Hà Nội vốn tự hào về văn hóa. Hà Nội có thể nghèo, chật, có thể chiến tranh tàn phá, triều đình đổi rời, nhưng mãi mãi là nơi văn minh, thanh lịch nhất Việt Nam – đó là điều không bao giờ thay đổi.

 Ảnh minh họa
Dù muốn thanh minh thế nào đi nữa, thì vẫn không thể không thừa nhận, mấy chục năm nay, kinh tế Hà Nội, kinh tế của cả nước có lên, nhưng văn hóa thì lại có những tiếng ì xèo rằng “đi xuống”. Người ta tiếc nuối đặt dấu hỏi, tại sao ngay tại Hà Nội, một cái khoanh tay, cúi đầu chào lễ phép với bố mẹ của trẻ khi đi học về - điều gần như bắt buộc trước kia, giờ gần như biến mất.
Một câu “cảm ơn” của các bà bán hàng mỗi khi ta mua một món hàng đã bớt dần mà cả hai bên đều thấy chấp nhận được… Nhưng lại thêm những câu chửi thề, những người dửng dưng trước một đám cháy nhà, một tai nạn giao thông, hoặc bất hạnh khác của người dưng…
Những thêm và bớt thì nhiều, nhưng ngày Tết, kể mãi có thay đổi được gì, trong khi ta chờ nghe cái tốt? Tốt hơn là hãy ngồi lại với nhau, mổ xẻ nguyên nhân, rồi tìm đường khắc phục.

Phải nói rằng, trước hết sai lầm đó là của cả xã hội. Đã một thời gian dài, xã hội ta hiểu những phong tục tập quán đẹp đó của dân tộc là tàn tích của phong kiến - một quan niệm sai lầm. Hư vô hơn là quan niệm phải xóa sạch cái đó thì mới có chỗ xây dựng Đời sống mới. Thật ra, văn hóa bao giờ cũng đan xen, cũng chuyển hóa. Ngay chế độ phong kiến cũng có cái tốt cái xấu, cái tiến bộ cái lạc hậu.
Chẳng lẽ vì thế mà phủ nhận mọi quan niệm tích cực đã được đúc kết từ bao đời? Vậy trong văn hóa, gìn giữ những thói quen khoanh tay chào bố mẹ khi đi học về; nói “cám ơn” chân thành với người mua hàng… là đúng, đừng thái quá đến mức khúm núm, quỵ lụy, nô lệ mà thôi. Chính những gì ngày nay khôi phục một cách không chọn lọc mới làm sống dậy những hủ tục như bung ra các lễ hội bạo lực vì mục đích thương mại; đám ma, đám cưới khao vọng linh đình lấy tiếng và trả nợ miệng; ăn mặc hở hang nơi công cộng… mới đáng lên án.

Thêm nữa, chúng ta ít hiểu về tự do, dân chủ, nên nhầm lẫn giữa tự do, dân chủ và vô chính phủ. Tự do, dân chủ là văn minh và là trình độ văn minh cao nhất của con người. Phải đến một trình độ phát triển nào đó, con người ta mới được hưởng tự do, dân chủ và muốn hưởng nó, phải làm quen, phải học.
Dân nói chung là tốt, nhưng dân chỉ tốt khi đứng trong một tổ chức và được rèn luyện trong tổ chức đó nhằm phát huy cao độ bản chất tốt và chế ngự những mặt hạn chế như thói tư hữu, ích kỷ, lười nhác, vô kỷ luật, mất vệ sinh công cộng… Chỉ có thể xây dựng một xã hội biết tôn trọng pháp luật, tự do nơi công cộng khi pháp luật được tôn trọng, kỷ cương giữ nghiêm. Một nền văn hóa muốn bền vững phải dựa vào pháp luật, pháp luật bị coi thường thì tất yếu văn hóa suy sụp.
Trong một xã hội suy yếu về văn hóa, bao giờ cũng thiếu sự làm gương của người trên. Chỉ một chính quyền phường Văn Miếu làm giấy chứng tử không đúng thủ tục, miệng lưỡi thế gian còn đàm tiếu, huống chi những vụ xét xử liên quan đến những quan chức? Làm sao người ta không đặt dấu hỏi về sự quy củ, tôn trọng văn hóa?

Nói như vậy không có nghĩa nhiều năm qua, văn hóa Hà Nội không có tiến bộ gì, nhưng để người Hà Nội tin vào văn hóa của mình có thể làm gương cho nơi khác, để người Hà Nội tự hào về văn hóa của mình thì còn nhiều việc phải làm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần