Đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất do hoàn lưu bão số 7

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị ứng phó với bão số 7 và mưa lũ sau bão.

Thông tin tại hội nghị, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, hiện, bão số 7 đang tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc và trưa nay sẽ đi vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sau đó suy yếu dần. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông hôm nay (27/8) còn có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 12, biển động rất mạnh. Trong 12 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110 độ Kinh Đông.
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường nhận định: Khi bão số 7 đi tới gần nước ta sẽ suy yếu thành áp thấp. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ gây mưa từ khu vực Bắc Trung Bộ trở ra, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc. Đối với các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu có lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm, bắt đầu tập trung từ ngày mai. Tuy lượng mưa không lớn nhưng rất dễ gây hệ quả sạt lở đất, gây lũ ở Bắc bộ, ngập úng cục bộ ở một số tỉnh như: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, khu vực miền núi phía Bắc đã chịu ảnh hưởng của mưa lớn liên tục, kéo dài thời gian qua, đất đã bị bão hòa nước, vì vậy, mưa nhỏ nhưng rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, cần quán triệt, thông báo các địa phương tập trung cao độ ở điểm này. Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống Thiên tai điện ngay cho các tỉnh, không chủ quan, những nơi xung yếu dễ xảy ra sạt lở đất, lũ quét cần đưa người dân ra khỏi nơi đó. Canh gác tại các ngầm, tràn, không để thiệt hại gây ra về người.
Đối với tàu thuyền khu vực Vịnh Bắc bộ, dù đã đảm bảo các tàu thuyền vào bờ, tuy nhiên, không được chủ quan, nếu ra khơi rất dễ xảy ra sự cố. Bộ trưởng cũng đề nghị, cơ quan dự báo cần bám sát, đưa ra những dự báo sát thực tiễn; Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí bám sát tình hình, thông tin trên nhiều phương tiện, tăng thời lượng đưa tin về cơn bão. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị với Chính phủ nâng cao chất lượng hệ thống quan trắc, trong đó Nhà nước sẽ tham gia một phần, chủ yếu là xã hội hóa ở những khu vực có thể thực hiện. Đồng thời, cần có kế hoạch thực hiện bố trí tái định cư cho dân cư ở những khu vực nguy hiểm của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ vừa qua cần khẩn trương khắc phục hậu quả, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7 và nguy cơ thiên tai nhằm chủ động biện pháp ứng phó. Tiếp tục kiểm soát, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vùng ảnh hưởng của bão, đặc biệt là khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương vùng mưa lũ tiếp tục rà soát lại những khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là những khu vực dễ xảy ra sạt lở đất, sơ tán người dân ra khỏi khu vực này. Bộ TN&MT chủ động lập bản đồ chi tiết về tai biến địa chất và khu vực sạt lở đất, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT quy hoạch, bố trí lại dân cư để người dân sống trong khu vực an toàn.
Về an toàn hồ đập, với hồ đập thủy lợi, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương chủ động trong vấn đề này, kiểm tra vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, đảm bảo an toàn cho hạ du. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố và Tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó nếu xảy ra sự cố. Với kiến nghị nâng cao chất lượng hệ thống quan trắc, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT có đề án phát triển hệ thống quan trắc ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng của thiên tai, đề xuất các giải pháp nguồn lực. Về vấn đề tái định cư, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT có bản đồ những khu vực dễ xảy ra sạt lở đất, vùng dễ xảy ra lũ ống, lũ quét. Từ đó, cảnh báo làm cơ sở cho phân bố lại dân cư.