Để rau an toàn có đất sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nhu cầu tiêu dùng rất lớn nhưng rau an toàn (RAT) vẫn khó chen chân vào gian bếp của mỗi gia đình. Một trong những nguyên nhân chính là do tư duy cố hữu của người tiêu dùng.

Hoạt động cho học sinh tham quan, trải nghiệm tại Công ty CP Rau, củ, quả Nhật Việt. Ảnh: Nguyễn Nga
Cởi trói từ tư duy
Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích người dân đầu tư sản xuất RAT. Tuy nhiên, hành trình để RAT đến gần hơn với người tiêu dùng vẫn còn vô vàn khó khăn. Ông Vũ Đình Thuấn - Giám đốc Công ty CP Rau, củ, quả Nhật Việt chia sẻ, để sản xuất RAT, người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, kỹ thuật, do đó chi phí sản xuất đội lên rất cao. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra lại khó tiêu thụ. Rau sau khi thu hoạch, hầu như chỉ bán cho thương lái tại ruộng, giá được thương lái ấn định, đây là một thiệt thòi rất lớn cho người nông dân. Bên cạnh đó, nông dân chưa tiếp cận được những thông tin về nhu cầu của thị trường nên không có biện pháp tổ chức sản xuất hợp lý. Mặt khác, thị trường RAT hiện nay chưa minh bạch, tình trạng trà trộn RAT với các loại rau thông thường vẫn diễn ra.
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần đẩy mạnh xử lý vi phạm để những cửa hàng bán rau không rõ nguồn gốc mà lại gắn mác rau quả thực phẩm sạch, tránh những “con sâu bỏ rầu nồi canh” trên thị trường RAT.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung
Trong khi người nông dân phải chấp nhận khó khăn để sản xuất RAT thì người tiêu dùng lại chưa thực sự quan tâm đến sản phẩm này. Thực tế, người tiêu dùng ở Việt Nam thường lo lắng về an toàn thực phẩm nhưng lại thường mua rau từ chợ truyền thống. Chị Thái Thu Huyền, ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông cho biết: “Trước đây, tôi đã từng mua RAT nhưng sau đó thấy giá thành cao và thấy không khác gì rau ngoài chợ nên tôi không mua nữa”.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, việc RAT trở nên yếu thế hơn so với các loại rau thông thường chính là ở tư duy cố hữu của người tiêu dùng. Mặc dù muốn lựa chọn, sử dụng sản phẩm RAT nhưng chính người tiêu dùng cũng chưa trang bị kiến thức cho mình trong việc nhận diện được RAT; tâm lý muốn mua rau đẹp, xanh mướt, giá rẻ nên dễ bị nhầm lẫn. “Chúng ta phải làm sao để người tiêu dùng cảm nhận được sự khác nhau giữa sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì nhãn hiệu với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường” – ông Trung khẳng định.
Tăng cường độ tin cậy
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, phải nhìn nhận lại nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa mặn mà với RAT. Theo quy định, rau được phân phối từ người sản xuất đến bàn ăn phải đảm bảo an toàn. Nhưng đôi khi trên thực tế, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo, làm giảm niềm tin vào các thực phẩm an toàn hiện đang được cung cấp trên thị trường.
Chị Đỗ Thu Nga, ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Tôi mong muốn mua thực phẩm an toàn cho gia đình để đảm bảo sức khỏe nhưng sau khi thấy trên báo chí đưa tin những cửa hàng rau sạch và siêu thị bị phát hiện trà trộn các loại rau không rõ nguồn gốc khiến tôi rất lo lắng về các sản phẩm trong những cửa hàng RAT”. Chia sẻ thêm về vấn đề này, anh Dương Văn Quang, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Mini Mart ở phường Dương Nội, quận Hà Đông cho biết: “Là người đầu tư vào thực phẩm sạch nhiều năm, tôi nhận thấy vấn đề khó khăn nhất đối với RAT hiện nay không hoàn toàn là giá thành, mà là lòng tin của khách hàng”.
Bàn về hướng xây dựng lòng tin đối với RAT, ông Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa ra danh sách những cửa hàng đạt tiêu chuẩn RAT. Vì vậy, khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng và sử dụng các sản phẩm rau, củ, quả sạch. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự hỗ trợ tư vấn từ các kênh phân phối bán sỉ, bán lẻ và cả các cửa hàng tiện ích. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, phải tiếp tục làm cầu nối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất, DN tiêu thụ để tạo ra chuỗi giá trị nông sản ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả cao nhất.