Đề xuất áp dụng hạn ngạch trong đào tạo ĐH: Không thực tế, khó khả thi

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng dư thừa hơn 200.000 cử nhân, mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm đã đề xuất phân bổ hạn ngạch tuyển sinh vào đại học (ĐH).

Áp hạn ngạch để tránh đào tạo tràn lan?
Năm 2017, Bộ LĐTB&XH tuyển sinh 2,2 triệu chỉ tiêu cho các trình độ, trong đó cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC) có 540.000 chỉ tiêu. Để thu hút thí sinh vào ĐH, CĐ sư phạm, Bộ GD&ĐT năm nay không giới hạn đăng ký nguyện vọng vào các trường, ngành. Việc này khiến nhiều trường nghề vô cùng lo lắng bởi lâu nay đã vất vả với bài toán tuyển sinh, giờ "cửa vào" ĐH rộng thênh thang, thí sinh càng không mặn mà đi học nghề. Bên cạnh việc các trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu thị trường, ông Sâm đề xuất thực hiện phân bổ hạn ngạch đào tạo ĐH - biện pháp mà nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đã áp dụng. Chẳng hạn, trong 100 học sinh tốt nghiệp THPT sẽ có 50 người vào học ĐH, số còn lại tham gia vào hệ thống các trường nghề và lao động phổ thông. Theo ông Sâm, đây là bài toán cân đối vĩ mô trong tình hình hiện nay, tránh được tình trạng nhiều nơi đào tạo nhân lực trình độ ĐH tràn lan và không đáp ứng được yêu cầu thị trường.
 Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục phản ứng bởi hạn ngạch đào tạo ĐH không tác động đến các trường ĐH, mà là sự "cưỡng ép" đối với người đi học. Nghĩa là người đi học chỉ có sự lựa chọn như hạn ngạch quy định. TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhận định: Hạn ngạch đào tạo ĐH là đi ngược lại quyền tự do học tập của con người đã được quy định trong Hiến pháp. Đây không phải là ý tưởng hay, đó là chưa kể nó có tác động tiêu cực đến hệ thống dạy nghề. Ông Phương cũng cho biết, các trường ĐH ở CHLB Đức được ấn định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa dựa vào năng lực đào tạo. Điều đó được khẳng định bằng hợp đồng trách nhiệm giữa trường ĐH và chính quyền bang, chứ không ấn định hạn ngạch trong số học sinh tốt nghiệp THPT có bao nhiêu em đi học ĐH, học nghề như ông Sâm nói.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), áp dụng hạn ngạch đào tạo ĐH sẽ không đem lại kết quả như mong muốn. Trước đây, Thụy Điển quy định 60% học sinh tốt nghiệp THPT vào học ĐH và 40% tham gia hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Song thực tế chỉ có 40% học ĐH và có tới 60% theo học nghề. Vì thế không thể cấm người ta vào ĐH bằng quy định hạn ngạch.
Đổi mới trường nghề để hút học sinh
Theo quan điểm của TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, có hạn ngạch vào ĐH hay không phải căn cứ vào nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhu cầu thị trường lao động cần bao nhiêu nhân lực nghề gì sẽ do cơ quan của Bộ LĐTB&XH và các ngành dự báo, đó là điều cốt lõi. “Những ngành nghề nào xã hội đang cần, xin việc tốt thì người ta đi học là chuyện bình thường. Chúng ta không thể đưa ra mệnh lệnh hành chính vì nó không đúng với nguyên lý đào tạo theo nhu cầu xã hội” - ông Hiệp phân tích. Và hiện nay, thị trường đang cần nhiều lao động trình độ CĐ, TC thì các cơ sở đào tạo nghề và DN tìm cách xích lại gần nhau trong việc phối hợp đào tạo. Các trường nghề cũng nên gặp gỡ những hội ngành nghề để xác định nhu cầu nhân lực, từ đó đưa ra chỉ tiêu thì việc tuyển sinh không quá khó khăn.
Bên cạnh đó, ông Dũng còn cho rằng, các trường nghề nên tập trung đào tạo trình độ cao mà thị trường lao động đang rất cần. Việc dạy nghề cũng phải thay đổi theo hướng tập trung đào tạo kỹ năng, cập nhật công nghệ kỹ thuật sản xuất để người học ra trường có việc làm ngay. Để làm được việc này, nhà trường phải gắn kết chặt hơn với DN trong đào tạo và làm sao để hai bên cùng có lợi.
Phản hồi về việc Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn thấp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Tại thời điểm này, chưa diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2017 thì câu chuyện Bộ GD&ĐT đưa ra điểm sàn thấp là không có căn cứ và quá sớm. Năm nay, trong gần 1 triệu học sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017, tính cả thí sinh tự do, các trường ĐH và CĐ sư phạm tuyển khoảng 400.000 chỉ tiêu. Như vậy, vẫn còn tới 600.000 thí sinh để các trường CĐ và TC tuyển sinh. Vấn đề là làm sao phát triển sản xuất để thu hút lực lượng này vào học.