Đề xuất bật đèn xe cả ngày, cấm vượt đèn xanh khi ùn tắc: Cần tiếp thu, điều chỉnh

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày qua, nhiều quy định mới của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội.

 Ảnh minh họa
Đề xuất xe máy phải bật đèn vào ban ngày
Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 27 của Dự luật quy định: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Lý giải việc đưa ra quy định trên, đại diện Bộ GTVT cho biết điều này được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968).
Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông. Đặc biệt là đối với xe tải, thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được. Từ đó, góp phần làm giảm tai nạn giao thông.
Hiện tại, theo quy định của luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Mức phạt cho hành vi trên là từ 100 - 200 nghìn đồng.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, viện dẫn Công ước 1968 trong trường hợp này là chưa hợp lý. Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.
Còn Việt Nam là đất nước nhiệt đới, nhiệt độ luôn ở mức cao vào mùa hè nên việc bật đèn xe máy vào ban ngày là không cần thiết. Việc bật đèn cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông, mà còn gây tác dụng ngược như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt.
Ông Quyền dẫn chứng, Việt Nam hiện nay có khoảng 60 triệu xe máy, mỗi ngày có khoảng 20 triệu xe hoạt động sẽ tiêu hao lượng nhiên liệu rất lớn. Do đó, dẫn đến tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên đường phố, tăng phát thải khí nhà kính, làm khí hậu nóng lên.
Cấm vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc
Tại Điều 13 về tín hiệu đèn giao thông của Dự luật quy định, tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc.
Tín hiệu đèn đỏ là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).
Tín hiệu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại có thể gây nguy hiểm thì được đi tiếp.
Trước đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định ngắn gọn: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Như vậy, nếu dự thảo mới được thông qua, trong trường hợp nút giao ùn tắc, kể cả có đèn xanh các phương tiện vẫn phải dừng lại. Nếu cố vượt có thể bị xử phạt.
Tiếp thu, điều chỉnh đề xuất cho phù hợp
Trước phản ứng của dư luận, ông Hoàng Thế Tùng - Vụ phó Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), ban soạn thảo sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với Việt Nam.
Quan điểm của ban soạn thảo sẽ không cứng nhắc, việc nội luật hóa các quy định chung của quốc tế sẽ phải trên cơ sở phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam.
Trước đó, Bộ GTVT nhận định, sau nhiều năm triển khai vào thực tiễn, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 xuất hiện một số tồn tại, bất cập phát sinh cần được sửa đổi, bổ sung như: Về tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ chưa đảm bảo; hạn chế về hạ tầng giao thông thông minh khiến cho việc xử phạt không minh bạch; phương tiện cá nhân phát triển nhanh với nhiều loại hình công nghệ tiên tiến; hệ thống quốc lộ, đường nông thôn, đường cao tốc phát triển mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, tính kết nối và sự đồng bộ; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân;
Mặc dù, tai nạn giao thông đường bộ giảm liên tục trong các năm qua, nhưng kết quả của việc hạn chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người bị chết, bị thương vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Trong đó, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ vẫn thường xuyên xảy ra
Do vậy, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, cùng với thực tiễn công tác quản lý, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 12/2019, Bộ Giao thông vận tải xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 với mục tiêu giải quyết những bất cập trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Một số điểm mới đáng chú ý được sửa đổi, bổ sung vào Dự luật như: Khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng. Các hành vi bị nghiêm cấm đã sửa đổi, bổ sung các hành vi cấm để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc...