Đề xuất hai phương án mới nhất về rút bảo hiểm xã hội một lần

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), sẽ cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trong đó đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần.

Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm. Theo đó, nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại nghị quyết 93 của Quốc hội.

Cụ thể, người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm.

Sự khác biệt của Dự thảo Luật với quy định hiện hành là, nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần, khi đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng BHXH không đủ 15 năm) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có thể được lựa chọn hưởng các quyền lợi bổ sung (hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi). Trong thời gian này được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...). Dự thảo Luật vẫn quy định nếu người lao động không nhận trợ cấp hằng tháng thì nhận BHXH một lần nhưng sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.

Nhóm 2, người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Theo Thường trực Ủy ban Xã hội, dù lựa chọn phương án nào, đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Ảnh minh họa
Theo Thường trực Ủy ban Xã hội, dù lựa chọn phương án nào, đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Ảnh minh họa

Về phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội chỉ rõ, qua thảo luận và ý kiến của các cơ quan tham gia, đa số cho rằng phương án 1 do Chính phủ trình có nhiều ưu điểm.

Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình với phương án 2 với lý do không tạo "lát cắt" giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tích hợp phương án 2 vào nhóm 2 của phương án 1, theo đó đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng từ sau ngày 1/7/2025 đến 30/6/2030 thì vẫn được hưởng BHXH một lần theo lộ trình giảm dần.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, dù lựa chọn phương án nào, đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ phương án 1 của Chính phủ đề xuất. Song đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nữa ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi luật có hiệu lực thi hành.

Đối với phương án 1 cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng BHXH một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án tổng thể về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn phát sinh do thất nghiệp, mất việc làm, bệnh tật... thông qua các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm và các chính sách khác giúp người lao động có thể vượt qua khó khăn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vấn đề hưởng BHXH một lần, an sinh xã hội lâu dài và khi gặp rủi ro...

Thường trực Ủy ban Xã hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến và cho phép lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu về quy định này nhằm bảo đảm dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể của đại biểu Quốc hội và bảo đảm thận trọng, trách nhiệm trong xử lý vấn đề hưởng BHXH một lần. Bởi đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi và đang "trở thành thói quen" mặc nhiên của khá nhiều người lao động, người tham gia BHXH.