Đề xuất mở lại đường bay quốc tế để “cứu” ngành hàng không

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Hàng không gửi tới Thủ tướng Chính phủ với kỳ vọng sẽ là một giải pháp để giải cứu ngành hàng không đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.

 Các hãng hàng không Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề bởi Covid-19 (Ảnh: Hòa Thắng)
Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về 5 giải pháp để giải cứu ngành hàng không trước sự tàn phá nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng
Trong văn bản gửi đi, Hiệp hội DN Hàng không cho biết, từ cuối tháng 7/2020, dịch Covid-19 tiếp tục tái phát ở một số địa phương, đặc biệt là TP Đà Nẵng khiến nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột. Các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020, chuyển ngay vào giai đoạn thấp điểm của ngành Hàng không.
Theo Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam, ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã đẩy tất cả các hãng hàng không rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng. Tổng mức thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho các hãng hàng không Việt Nam theo ước tính của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế đưa ra lên tới hơn 4 tỷ USD.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam đưa ra 5 gói giải pháp để giải cứu ngành hàng không. Thứ nhất là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 - 4 năm.
Mở lại đường bay quốc tế được kỳ vọng sẽ là giải pháp ''cứu'' các DN hàng không. (Ảnh: Thanh Bình).
Thứ hai là kiến nghị Thủ tướng cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo Bộ GTVT và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.
Thứ ba là kiến nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70% ít nhất là 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021.
Thứ tư là kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đặc biệt, giải pháp thứ 5 được Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam đưa ra là đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.
Cùng với đó là cho phép khách du lịch và các chuyên gia được nhập cảnh vào Việt Nam nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ GTVT nói gì?
Ngay sau khi Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam có những kiến nghị trên, lãnh đạo Bộ GTVT đã có những phản hồi đầu tiên. Trả lời báo chí về kiến nghị mở lại đường bay quốc tế, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định, Bộ đang đôn đốc Cục Hàng không Việt Nam trình phương án cho phép chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam để xin ý kiến các bộ, ngành.
Muốn mở lại đường bay quốc tế, công tác phòng dịch phải được đảm bảo tuyệt đối. (Ảnh: Phạm Thắng).
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết thêm, do các khu cách ly tập trung ở Việt Nam hạn chế đồng thời cũng là để sẵn sàng cho phương án cách ly của các vùng dịch nên Bộ GTVT chưa cho phép các chuyến bay quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam. Còn trên thực tế Bộ vẫn cho phép duy trì các chuyến bay thường lệ quốc tế.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay, thời điểm mở đường bay quốc tế và đưa ra quy định như thu phí cách ly, quy trình kiểm soát dịch với khách du lịch sẽ do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 quyết định.
Ngoài ra, việc mở lại đường bay quốc tế còn phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước. 
Về các đề xuất khác của Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam như miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021, giảm các loại phí dịch vụ hàng không, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay..., ông Đinh Việt Thắng khẳng định, hiện nay các hãng bay đã được miễn, giảm phí nhiều dịch vụ hàng không đến hết năm 2020. Do đó, đến cuối năm 2020, căn cứ vào đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các hãng hàng không thì mới xem xét đến các phương án hỗ trợ tiếp theo.