Đề xuất rút ngắn thời hạn Giấy phép lái xe: Thêm thủ tục, lắm phiền hà

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) với nhiều nội dung thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, trong đó có đề xuất rút thời hạn cấp giấy phép lái xe (GPLX) xuống còn 5 năm thay vì 10 năm như đang được Bộ GTVT quy định. Các chuyên gia cho rằng, việc rút ngắn thời hạn này sẽ phát sinh thêm thủ tục phiền hà và tốn kém cho người dân.

Việc rút ngắn thời hạn GPLX sẽ gây phiền hà, tốn kém không cần thiết. Ảnh: Lê Thanh
Ảnh hưởng tới hàng triệu người
Tại Khoản 9 Điều 46 dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ về thời hạn GPLX quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp. Đây là nội dung mới được bổ sung vào dự thảo mới nhất này bởi trước đó, vào thời điểm Bộ Công an đưa dự thảo lần 1, lần 2 ra để lấy ý kiến thì không có nội dung này. Trong khi đó theo Điều 17, Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về thời hạn GPLX (đang có hiệu lực thi hành) thì GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp. Thậm chí, một văn bản luật liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ do Bộ GTVT vừa dự thảo là Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cũng đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay.
Đối chiếu với đề xuất của Bộ Công an trong Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT, thời hạn của GPLX hạng B bị giảm xuống còn một nửa (từ 10 năm xuống còn 5 năm). Trong khi đó, hiện nay, GPLX hạng B (gồm B1 và B2 như quy định trong Thông tư 12/2017/ TT-BGTVT) đang có số lượng người được cấp rất lớn - có thể lên tới hàng triệu người. Do đó, đề xuất của Bộ Công an sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người. 
Đang ổn định sao phải thay đổi?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa – giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT khẳng định, cần xem xét lại một cách thận trọng đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX của Bộ Công an, bởi đây là vấn đề gây ảnh hưởng đến rất nhiều người. Về mặt khoa học, phải tham khảo thời hạn GPLX đang áp dụng tại các nước trên thế giới để đối chiếu, so sánh với tình hình trong nước. Qua đó mới có thể đưa ra một sự lựa chọn phù hợp và khoa học nhất. Song GS.TS Từ Sỹ Sùa cũng lưu ý việc tham khảo phải trên tinh thần chọn lọc cái tiến bộ, phù hợp nhất với bối cảnh thực tế trong nước chứ không phải áp dụng một cách rập khuôn, máy móc. Còn về tính thực tiễn, chuyên gia giao thông này cho rằng, phải làm rõ việc rút ngắn thời hạn GPLX như đề xuất là nhằm mục đích gì và có thật sự cần thiết hay không?
“Nếu cần thiết thì mới thay đổi. Còn nếu không cần thiết thì có thể thực hiện chương trình bổ túc kiến thức bằng các khóa bồi dưỡng, chứ không nhất thiết cứ phải rút ngắn thời hạn GPLX xuống còn 5 năm mới là hiệu quả” – GS.TS Từ Sỹ Sùa nói và cho rằng, trong khi xây dựng văn bản luật đều cần phải có sự nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là phải tham khảo ý kiến của chính người trong cuộc - những người học và được cấp GPLX. “Đang ổn định thì theo tôi không nên thay đổi. Còn nếu muốn thay đổi thì phải có sự thuyết phục, sự phân tích khoa học và tuyệt đối không được gài lợi ích nhóm vào” – GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng nhìn nhận, việc rút thời hạn GPLX từ 10 năm xuống còn 5 năm đồng nghĩa với việc thủ tục đối GPLX sẽ tăng gấp đôi, điều này sẽ gây phiền toái không ít cho người dân. “Hiện nay, hộ chiếu và chứng minh thư Nhân dân cũng có thời hạn 10 - 15 năm. Sao GPLX đang từ 10 năm lại rút xuống còn 5 năm? Việc phát sinh thêm thủ tục chắc chắn sẽ gây thêm phiền hà và tốn kém cho người dân” – chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh nhận định.

Điều quan trọng nhất trong công tác đào tạo và cấp GPLX không phải là câu chuyện thời hạn bằng lái kéo dài bao lâu mà là có giảm được TNGT hay không. Vì mục đích cuối cùng của tất cả những việc này cũng đều nhằm tới 4 chữ “an toàn giao thông” mà thôi.

Giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT – GS.TS Từ Sỹ Sùa

Đối với người còn trẻ, sức khỏe ổn định mà rút thời hạn xuống 5 năm sẽ gây lãng phí, tốn kém, không cần thiết cho người dân. Thời hạn GPLX hạng B giữ nguyên như hiện nay là hợp lý.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền