Đề xuất tăng mức xử phạt hành chính ở 10 lĩnh vực: Bảo đảm tính khả thi

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/2, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp 26, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số vấn đề của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Luật Xử lý vi phạm hành chính được sau 6 năm triển khai thi hành, đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn. Trong đó, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; sự thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến thay đổi về thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền dẫn đến tình trạng dồn quá nhiều vụ việc lên cơ quan cấp trên. Các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, một số quy định thiếu tính khả thi.
 Ảnh minh họa.
So với Luật, Dự án Luật sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên đến 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; Bảo vệ người tiêu dùng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng; lĩnh vực báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng và kinh doanh bất động sản từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng… Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải người vi phạm… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Có lĩnh vực cơ quan soạn thảo giải trình là “chưa cần thiết phải tăng mức phạt tối đa trong lĩnh vực này” nhưng Dự Luật lại thể hiện tăng mức phạt tiền tối đa như về lĩnh vực giáo dục. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực hiện nay đã cao hơn khá nhiều mức tối thiểu của khung hình phạt tiền được Bộ Luật hình sự quy định là hình phạt chính đối với các tội ở cùng lĩnh vực. Do đó, việc tăng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực là chưa hợp lý, chưa cần thiết. Ngoài hình thức phạt tiền, biện pháp hữu hiệu là thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Luật Xử lý vi phạm hành chính là đạo luật cơ bản điều chỉnh các vấn đề xử lý vi phạm hành chính. Trong đó xác định thế nào là vi phạm hành chính, quy định xử lý người vi phạm hành chính, mức phạt tối đa bao nhiêu, trình tự thủ tục, các biện pháp khắc phục hậu quả... Giao cho Chính phủ quy định là Chính phủ cụ thể hóa những quy định của Luật, không đặt ra quy định mới.
Tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị tiếp tục bổ sung đánh giá tác động với các chính sách mới, có rà soát thống kê đầy đủ tình hình thực tiễn về mức xử phạt, đối tượng áp dụng… và cần làm rõ hơn quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc xây dựng Luật.
Đối với đề nghị nâng mức xử phạt hành chính theo lĩnh vực, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ cần có thống kê, báo cáo cụ thể của từng lĩnh vực. Lĩnh vực nào chưa hợp lý thì sửa đổi quy định phù hợp khả thi hơn, tăng ở một số lĩnh vực cần thiết. Đồng thời bổ sung chế tài trách nhiệm của người thi hành công vụ, những người trực tiếp xử lý hành chính có chế tài để phòng ngừa lạm dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần