Đề xuất triển khai số hóa toàn bộ hệ thống thoát nước tại Hà Nội

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình giám sát tình hình, kết quả thực hiện quy hoạch thoát nước trên địa bàn Hà Nội, sáng nay (11/10), đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, khảo sát thực tế tại một số Trung tâm thuộc Công ty.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại buổi làm việc.
Tại đây, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, buổi làm việc nhằm thu thập ý kiến về thực trạng, khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của đơn vị trong quá trình thực hiện quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 725 ngày 10/5/2013). Từ đó, đoàn sẽ có thông tin xác thực để tổng hợp, làm việc với các sở ngành, báo cáo HĐND TP cũng như đề xuất UBND TP có những giải pháp cụ thể cho công tác này thời gian tới.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHHMTV Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương, quy hoạch thoát nước tại TP được lập cho toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô với tổng diện tích 3.344,7km2, nhưng mới được đầu tư xây dựng ở khu vực trung tâm (gồm lưu vực Tô Lịch, Tả Nhuệ, Long Biên, Hà Đông với tổng diện tích 220km2), trong đó chỉ lưu vực Tô Lịch đã được đầu tư tương đối hoàn thiện (chiếm 35% khu vực trung tâm).
Trước năm 2011, Công ty quản lý toàn bộ hệ thống thoát nước (HTTN) tại các quận (tuyến phố có tên, ngõ lớn), nhưng từ 2011 thực hiện phân cấp quản lý, Công ty đã bàn giao HTTN ngõ xóm cho UBND các quận và chỉ thực hiện quản lý duy tu, duy trì các tuyến phố, trục thoát nước chính.
Từ năm 2015 đến nay, đơn vị được giao tiếp nhận thêm trục thoát nước chính tại quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (phần Tả Nhuệ), Hà Đông; toàn bộ HTTN ngõ xóm tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông và huyện Thanh Trì; các thị trấn và tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ do TP quản lý sau đầu tư tại các huyện.
Đoàn giám sát khảo sát Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội
Hàng năm ngay từ quý I, Công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ thoát nước mùa mưa, phòng chống úng ngập, với mục tiêu đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, đảm bảo thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 310/mm/2 ngày tại khu vực đã được cải tạo theo dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, giảm thiểu tối đa úng ngập ở các khu vực khác thuộc quản lý; thực hiện tốt công tác xử lý, duy trì vệ sinh môi trường các hồ.

Tuy nhiên, theo ông Sương, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác vận hành HTTN. Cụ thể, trên cùng một tiểu lưu vực còn đan xen nhiều đơn vị quản lý, dẫn đến quản lý duy tu, duy trì chưa được đồng nhất, hiệu quả thoát nước chưa cao, do đặc thù thoát nước là tự chảy, HTTN là mạng lưới liên hoàn. Với những khu vực đô thị hóa nhanh, một số tuyến mương nông nghiệp không còn phục vụ tưới tiêu nông nghiệp mà chuyển sang phục vụ thoát nước đô thị, nhưng chưa được bàn giao cho Công ty quản lý. Ngoài ra, còn một số chủ đầu tư, nhà thầu chưa tuân thủ thỏa thuận thoát nước, HTTN của các thị trấn hay quốc lộ, tỉnh lộ không được duy tu duy trì thường xuyên…
Đoàn giám sát khảo sát Trung tâm thử nghiệm môi trường nước thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội
Vì vậy, ngoài kiến nghị TP sớm ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, bùn thải, tính đúng, tính đủ chi phí vận hành, đầu tư, Công ty cũng đề nghị TP sớm ban hành quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn, thay thế Quyết định 193 ngày 18/11/2005 ban hành quy định về quản lý, khai thác, bảo vệ HTTN. Đồng thời, đề nghị TP giao Công ty quản lý các điểm xả, chất lượng nước thải xả vào nguồn tiếp nhận, có báo cáo định kỳ với Sở Xây dựng, Sở TN&MT, UBND TP; được tham gia góp ý vào các chủ trương đầu tư hạ tầng đô thi của TP ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư để kịp thời tham mưu kế hoạch giải quyết úng ngập cho khu vực.
Bên cạnh đó, đề nghị TP chấp thuận công tác tiếp nhận HTTN đưa vào quản lý duy tu, duy trì chia làm 2 bước: Khi công trình được thi công xong, hệ thống vận hành đảm bảo, được tạm bàn giao cho đơn vị quản lý thoát nước để đưa vào khai thác; công trình chỉ được bàn giao chính thức sau khi có biên bản kiểm tra công tác nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng của cơ quan có thẩm quyền; với công trình hạ tầng, TP cần chỉ đạo chủ đầu tư tăng mức giữ lại tiền của nhà thầu và chỉ thanh toán khi đã hoàn tất bàn giao Sở Xây dựng, giao Công ty quản lý, duy trì.

Đặc biệt về lâu dài, Công ty đề nghị TP xây dựng bản đồ nền, quy hoạch cao độ nền để làm cơ sở triển khai số hóa toàn bộ HTTN trên địa bàn, nhằm đáp ứng công tác quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch thoát nước trên địa bàn TP.