Đến năm 2020, tất cả trường nghề tự chủ được là viển vông!

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay 2/6, làm việc với Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội (LĐTB&XH) về Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với tinh thần giảm mạnh đầu mối, tinh giản tổ chức ở bên trong.

Báo cáo với Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo nhà nước, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp thông tin, mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Hiện cả nước có 1.989 cơ sở GDNN, trong đó 1.337 trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) và trung tâm (TT) thuộc hệ thống công lập. Bộ LĐTB&XH đã quy hoạch 45 trường nghề chất lượng cao, 26 nghề cấp độ quốc tế, 34 nghề cấp độ khu vực Asean và 100 nghề cấp độ quốc gia.

Tuy nhiên, mạng lưới cơ sở GDNN còn nhiều bất cập và phân bổ giữa các vùng, ngành nghề và trình độ đào tạo. Quy mô đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn nhỏ, cũng như chậm triển khai cơ sở GDNN chất lượng cao và tiếp cận trình độ quốc tế.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Cơ sở vật chất, thiết bị lạc hậu so với công nghệ đang áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Người lao động đang đăng ký ngành nghề ứng tuyển.
“Học phí chưa được tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Mức trần học phí GDNN thấp nhất trong các bậc học, trình độ đào tạo trong khi chi phí đào tạo lớn. Khi tính đúng, tính đủ do chi phí khấu hao lớn sẽ gây khó khăn đối với khả năng đóng góp của người học” – ông Doãn Mậu Diệp chỉ ra một nguyên nhân dẫn đến đào tạo nghề không đảm bảo chất lượng.

Để đổi mới hoạt động dạy nghề, ông Diệp cho biết, trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ phân cấp cho các cơ sở GDNN tự chủ về bộ máy và nhân sự; được quyết định tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm nhân sự.

Bộ LĐTB&XH sẽ hoàn thiện thể chế để chuyển đổi phương thức cấp ngân sách nhà nước theo đầu vào hiện nay sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công GDNN. Đồng thời, chuyển phương thức đầu tư dàn trải sang tập trung trọng tâm, trọng điểm. Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho các cơ sở GDNN chất lượng cao, vùng khó khăn; ngành, nghề trọng điểm quốc gia.

Hệ thống các cơ sở dạy nghề sẽ được sắp xếp, tái cấu trúc lại nhằm giảm đầu mối, tăng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng đào tạo. Những cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp sẽ bị chuyển giao, sáp nhập, giải thể.

Cơ sở GDNN thành lập mới hoặc nâng cấp từ TC lên CĐ phải thực hiện ngay tự chủ hoàn toàn. Bộ LĐTB&XH sẽ có lộ trình chuyển cơ sở GDNN từ loại hình công lập sang ngoài công lập và cổ phần hoá các cơ sở GDNN thuộc DN nhà nước.

“Tôi nói thẳng quan điểm cá nhân, đến năm 2020 tất cả các trường nghề tự chủ được là viển vông. Chắc chắn là như vậy. Nếu tự chủ cả thì sẽ có khu vực chết, trung tâm giáo dục dạy nghề ở các địa phương gặp khó khăn” – Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Theo thủ lĩnh ngành LĐTB&XH: “Trước mắt Bộ LĐTB&XH cùng Bộ Tài chính thống nhất nguyên tắc từ năm đến năm 2020 giữ nguyên mức nhà nước đầu tư. Tất nhiên, sẽ phân ra khu vực nào tự chủ 100%, nơi nào tự chủ một phần chi thường xuyên. Chúng tôi đang lấy ý kiến để xác định lộ trình, bước đi cụ thể về vấn đề này để trình Chính phủ”.

Mục tiêu đổi mới cơ chế tài chính, quản lý, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập có mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực hiệu quả. Vì thế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN phải xác định được các danh mục những dịch vụ sự nghiệp công nào phải sử dụng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc tổ chức lại mạng lưới phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của dịch vụ sự nghiệp công.

Theo Phó Thủ tướng cho biết nhà nước luôn động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các cơ sở thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cần phải sắp xếp lại những gì chồng chéo; trùng lắp về quy mô, nhiệm vụ chức năng; hoặc gần nhau, trên cơ sở đó để tinh giản biên chế. Cũng như làm rõ việc quy hoạch mạng lưới theo ngành, lĩnh vực hay địa giới hành chính, lãnh thổ. Thực hiện khảo sát bằng những việc rất nhỏ, cụ thể nhưng phải khái quát thành chính sách lớn. Chẳng hạn, việc sắp xếp sẽ giảm được bao nhiêu đầu mối, biên chế từ nay đến năm 2020.

Tháng 9 sẽ có đề án nâng cao chất lượng giáo dục

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, hiện nay, Bộ LĐTB&XH đang quyết liệt xây dựng đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, đăng ký trình Chính phủ vào tháng 9/2017. Bộ cũng đang xây dựng xây dựng nghị định về tự chủ giáo dục nghề nghiệp và đang lấy ý kiến góp ý. Ví dụ, lĩnh vực, đơn vị, khu vực nào thì tự chủ. Chúng tôi không đánh đồng tất cả mọi quan điểm nơi nào cũng phải tự chủ thì không làm được.