Đi bên mùa thu - Tùy bút của Nguyễn Sĩ Đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã Thu. Vẫn mùa Thu của muôn xưa với màu xanh bất tuyệt lồng lộng đáy hồ và trong...

Kinhtedothi - Đã Thu. Vẫn mùa Thu của muôn xưa với màu xanh bất tuyệt lồng lộng đáy hồ và trong suốt mắt ai.

Vẫn ngan ngát hương sen thả vào hương cốm. Và mùa quả chín. Cái ngòn ngọt của mùa Xuân, cái nồng nàn của mùa Hạ đều dồn cả vào Thu. Quang phổ mùa Thu trăm sắc vừa khúc chiết, tách bạch vừa như tụ ở cả màu vàng, cái màu vàng mang hồn cây, hồn đất vừa như muốn bay lên cao thăm thẳm thinh không lại vừa như muốn rơi xuống bên người bồi hồi lắng tụ. Màu nước, màu mây, màu cây, màu trái; màu sợi rơm phơi thơm vàng đường gạch cổ, màu cỏ non triền đê líu ríu chân trời; hình lá đuôi mắt; bông tóc sợi gió… Tất cả tinh hoa đất trời dâng đầy thị giác, khứu giác, vị giác, thơm trong xúc giác, bừng lên trực giác và tri giác về sự tuyệt vời của mùa Thu nước Việt - mùa dịu dàng sâu thẳm chứa đầy tình yêu và sáng tạo con người.

Người xưa có câu thơ nói về cảm thức mùa Thu tuyệt hay:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri Thu

(Một lá ngô đồng rụng

Thiên hạ cùng biết Thu)

Bằng tín hiệu nào ta biết phút Thu về? Đó là tiếng trống trường bâng khuâng hồn trẻ nhỏ. Là hoa mướp cuối mùa vàng rực đến lo âu làm rưng rưng cánh bướm vườn quê. Là làn nước biếc bên sông bỗng biếc hơn và dậy sóng khi mắt tuổi tròn trăng soi xuống trong cái nôn nao chợt hiện những điều chưa từng nhớ nhung, chưa từng nghĩ đến. Lá liễu xanh đốt cháy khát khao thiếu phụ. Hoa cúc vàng trước giậu như thúc giục tri âm… Lá ngô đồng rụng, cái tin Thu, lá thư mùa Thu ấy được gửi tới mọi người là nhờ ngọn gió heo may. Trời đất đôi khi đỏng đảnh nhưng vẫn vô cùng đúng hẹn. Chiều nay trời đang nắng chang chang hay mưa rào sầm sập, thế mà bỗng sớm mai heo may đã về, khiến người ta không hiểu nổi đất trời gói ghém cất giữ mùa Hè vào đâu, trong cái thời khắc kỳ lạ nào, khoác đều áo Thu cho vạn vật.

Mùa Xuân hy vọng. Mùa Hạ cháy bỏng khát khao.

Có phải bây giờ con người ta, nếu không vô cảm quá thì cũng đang cháy lên trong những khát khao, tham vọng. Cô sinh viên mới ra trường nghĩ cách trở thành giám đốc. Anh công chức bươn về cái ghế lãnh đạo bằng mọi giá. Mái tranh nghèo chòng chọc nhìn về ngôi biệt thự và chung cư cao cấp. Đồng một nghìn nhấp nhỏm triệu đô-la… Tất cả cực nhọc, cắm cúi đi - đi và chạy - chạy và trèo về đích. Như thể không có đích ấy thì cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì. Như thể con đường đời thì ngắn mà đời người thì vô tận.

 Cơn gió nhắc ta bước sang Thu. Mùa Thu rất đẹp. Và nhắc ta giới hạn của mùa Thu, của tháng năm và cuộc đời. Chẳng có gì vĩnh viễn. Và chẳng có cái đích nào là tuyệt đối cho hạnh phúc và khát khao của con người. Bởi vì, sau cái đích ấy lại hiện lên dằng dặc bao nhiêu cái đích khác mà nếu không dè chừng sẽ rơi vào cái bẫy của lòng tham do chính mình giăng đặt… Con người không chỉ và không thể sống riêng cho bản thân mình, cho riêng hiện tại. Con người bao giờ cũng ở giữa cộng đồng, ở giữa thiên nhiên, giữa quá khứ và vị lai cần được hài hòa. Con người nếu sống trong cái lồng của chính mình, cho mục đích ích kỷ của mình tức là lầm lạc, tức là không bao giờ có được vị thế của con người tự do, ung dung tự tại và chọn cuộc sống thanh cao, đẹp đẽ của đời người. Có phải đó là lời mùa Thu đang nhắc?
Đi bên mùa thu - Tùy bút của Nguyễn Sĩ Đại - Ảnh 1

Mùa Thu Hà Nội. Ảnh:  Anh Duy
Tôi đã đi bên mùa Thu của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, bầu không dường không chứa nỗi hận anh hùng. Tôi đã đi theo “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” của Bà Huyện Thanh Quan. Tôi đã ở giữa cái trong vắt và tuyệt đối tĩnh lặng của mùa Thu Nguyễn Khuyến… Mỗi bận tha hương nhớ nhà, lòng trí tôi lại bị buộc vào câu thơ mùa Thu của Đỗ Phủ: Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ, Cô chu nhất hệ cố viên tâm” (Cúc khóm hai lần dòng lệ cũ, Thuyền đơn một buộc mảnh vườn xưa)…
Ngày xưa, mùa Thu nào cũng sâu, nhưng mùa Thu nào cũng buồn. Mỗi người một chân trời, chân trời nào dường cũng cô đơn. Phải đến mùa Thu cách mạng, tôi mới gặp trong cuộc sống, trong thơ Tố Hữu bầu trời chung giải phóng, mỗi chân mây, ngọn cỏ đều muốn reo ca:

Tháng Tám mùa Thu xanh thắm

Mây nhởn nhơ bay

Hôm nay ngày đẹp lắm!

Mây của ta, trời thắm của ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!

Đã tan tác những bóng thù hắc ám

Đã sáng lại trời Thu tháng Tám

Trên đường ta về lại Thủ đô

Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ …

 Mùa Thu tháng Tám, mùa Thu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn đây, tỏa bóng sáng xuống mọi cuộc đời. Mùa Thu ấy nâng bước cả dân tộc lớn dậy, hào sảng đi lên, trong đó có mỗi chúng ta. Mùa Thu nhắc rằng, đừng bao giờ quên con đường và hàng cây, ánh dương và lá cờ mọc lên và đang vẫy gọi chúng ta từ khát vọng tự do, tới khát vọng tự do, khát vọng làm vẻ vang non sông Việt Nam yêu dấu, đừng bao giờ để phai nhạt niềm tin và tráng khí của buổi đầu cánh mạng.

Em đã bao giờ về bên Hồ Gươm, ngồi thật lâu trên ghế đá, nhìn sóng Hồ Gươm xanh, xanh hơn cả hàng liễu mùa Thu đang che mướt tóc em?

Nếu nói hồn của mùa Thu Việt Nam là Hà Nội thì hồn của mùa Thu Hà Nội là Hồ Gươm.

Hồ Gươm như một con mắt xanh soi lộng đáy trời, một con mắt ướt nhớ nhung; Hồ Gươm như một bảo tàng lịch sử và bảo tàng Hà Nội. Báu vật ở đây là màu xanh đặc biệt, không lẫn với bất cứ màu nước nơi đâu trên thế giới này. Sóng nước hồ đẹp nhất mùa Thu, và kỳ diệu là, trước Hồ Gươm lòng ta trở nên thanh thản hơn, thêm một lần yêu quê hương đất nước, yêu Hà Nội sắt se. Hồ Gươm đang gìn giữ cho đất nước trong lòng sâu của mình một thanh gươm vệ quốc. Hồ Gươm giương cao ngọn bút Tả thanh thiên viết thơ lên trời xanh, bắc một nhịp cầu từ lòng ta đến cái bao la vô thủy vô chung vô cùng vô tận của vũ trụ…

Tôi đã sống cùng Hà Nội thuở còn giếng nước tập thể, đèn đường chiếu sáng là những bóng đèn tròn dây tóc đỏ đòng đọc, tòn teng cái đĩa sắt tây tráng men làm a-ba-giua. Thuở ấy từ Vọng, Mơ, Bưởi, dốc Yên Phụ, Ngã Tư Sở trở ra đều là ngoại thành. Bao nhiêu lớp người, bao nhiêu trật tự, quy định, bao nhiêu thời kỳ lịch sử đã đổi thay. Bao nhiêu cái mới tốt đẹp và hoành tráng đã được dựng lên. Lòng hoài cổ xui tôi nuối tiếc một điều gì không rõ rệt. Duy có một điều không đổi thay, điều làm tôi biết được thế nào tạm bợ, thế nào vĩnh hằng, là mặt nước Hồ Gươm xanh và sóng đỏ sông Hồng vạm vỡ, con sông năm lại năm cần mẫn xây đắp phù sa cho những cánh đồng và chở gió thơm ăm ắp hương lúa, hương vườn từ làng quê thổi vào Hà Nội. Phải không em, tôi nghe nói bây giờ có những người con gái ở trong hiệu cả ngày để làm kiểu tóc và ngày nào cũng hàng giờ trước gương với những De Bon, Shiseido để tự “lăng-xê” mình trước mọi người bằng mỹ phẩm. Cái gọi là “ đời sống cao” bây giờ là như vậy ư? Tôi mà là con gái thì chiều Thu nay sẽ rủ thêm bè bạn, đạp xe dọc những triền đê; ngả mình trên bãi cỏ non tơ, thả tóc chảy dài theo dòng nước sông Hồng, sông Đuống; phập phồng da thịt theo hơi thở đất đai, cho đến lúc ánh mắt và trời đêm cùng lấp lánh ngàn sao…

Tôi thường đi trên đoạn đường Lê Thái Tổ - đoạn đường ngắn từ cuối phố Hàng Trống đến đầu phố Bà Triệu. Đó là đoạn đường, theo tôi, là đẹp nhất Hà Nội, chạy giữa những hàng cây chở đầy thiên nhiên tươi mát và lịch sử thâm trầm. Nhìn ra xa là Tháp Rùa ẩn hiện, ngày Hạ mây bay, ngày Đông sương phủ và cái khoan thai, sâu lắng của người Hà Nội trong nhịp chân tản bộ lão niên. Bao nhiêu điều nhỏ nhoi, vụn vặt hàng ngày đều tiêu tan trong một thoáng gió hồ. Đó là nơi tôi biết ngước lên trời xanh, tươi non cùng dáng liễu. Và tôi thường nghĩ: Giá như tất cả mọi người đi trên con đường này, trên mọi con đường Trái Đất, ngày nào cũng được cầm tay một hò hẹn lứa đôi, một hòa cảm với đất trời, thì chắc chắn Trái Đất này sẽ thanh bình, sẽ không ai nghĩ về những điều xấu xa, hèn mọn.

Ta còn bao nhiêu mùa đẹp như Thu nay? Bạn ở đâu? Em ở đâu? Mùa Thu đang đợi!