Đi chùa, lễ thánh... online

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong bối cảnh tạm dừng các hoạt động lễ tập trung đông người, nhiều cơ sở thờ tự đã thực hiện các nghi lễ thông qua hình thức trực tuyến, lồng ghép thông điệp khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19.

Bảng thông báo tại Nhà thờ Thái Hà về việc truyền hình trực tuyến các buổi thánh lễ. Ảnh: Lại Tấn
Thánh lễ online
“Buổi thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng nhìn lên cây thập giá của đức Giesu Kitô để cảm nhận tình thương của Chúa. Xin Chúa cho chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, xin cho đại dịch Covid-19 sớm đẩy lui để mỗi chúng ta sống trong bình an” - Lời mở đầu của linh mục trong buổi thánh lễ sáng thứ Ba ngày 31/3 được cử hành trực tuyến tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. Bài giảng của chủ tế trong thánh lễ trực tuyến thu hút hơn 1.100 tương tác trên trang Fanpage của Tổng Giáo phận Hà Nội và gần 14.000 lượt xem trên YouTube. Nhiều người xúc động khi các bài giảng trong các thánh lễ online luôn có thêm lời cầu nguyện mùa Covid-19, cầu cho các nhà khoa học tìm ra vaccine để phòng ngừa virus SARS-CoV-2, cho các y bác sĩ được bình an, khỏe mạnh để tận tụy phục vụ Nhân dân và tất cả chúng sinh được bình an.
Ngày 30/3, theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Thái Hà, Nhà thờ Hàng Bột, Nhà thờ Cửa Bắc… đều có thông báo tạm dừng hoạt động để bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, tránh làm lây lan dịch bệnh. Đơn cử, tại Nhà thờ Thái Hà, bảng thông báo của giáo xứ có đăng “Thông báo của tòa Tổng Giám mục Hà Nội” với một số nội dung như: “Từ thứ Bảy, 28/3/2020 cho đến khi có thông báo lại, xin các Cha dâng lễ với một số rất ít người tham dự, thánh lễ Chúa nhật cũng như ngày thường. Khi không thể tham dự thánh lễ trực tiếp, xin anh chị em tham dự qua truyền hình trực tuyến. Không tổ chức các giờ cầu nguyện chung hoặc các việc đạo đức quy tụ đông người, trong nhà thờ cũng như các nơi khác trong giáo xứ”.
Ở nhà cầu an
Các thánh lễ Công giáo không phải là lễ tôn giáo duy nhất thực hiện qua hình thức online. Những ngày gần đây, nhiều bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội một đường link dẫn đến trang web có tên miền Chuaonline đáp ứng các nhu cầu giống như việc bạn đi chùa thực tế. Theo như dòng giới thiệu ngắn gọn thì chùa online được thành lập bởi trang Tuvien - một website điện tử của cộng đồng những người theo Phật giáo và không có cơ quan chủ quản. Chùa online ra đời với hình thức một ngôi chùa điện tử giúp người bận rộn có thời gian hướng tới chùa, học Phật, nghe pháp trên mạng. Khi truy cập vào trang web này, người sử dụng sẽ bất ngờ khi nó có gần như đầy đủ các hình thức tâm linh cơ bản của một ngôi chùa bình thường, chỉ có điều tất cả đều là “ảo”. Tại chùa online, người dùng còn có thể đăng ký các loại hình như hộ niệm cầu an, cầu siêu hay lễ, giỗ tổ tiên thông qua việc điền thông tin vào các biểu mẫu online có sẵn.
Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 những ngày gần đây, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi công văn đến các cơ sở thờ tự Phật giáo, yêu cầu tăng ni cả nước cấm túc tại các chùa, cơ sở tự viện và không đi ra ngoài nếu không cần thiết, đến hết ngày 15/4. Trong thời gian cấm túc (ở yên trong chùa), tăng ni dành thời gian đọc tụng kinh Dược sư, kinh cầu an để cầu nguyện cho Nhân dân vượt qua dịch bệnh. Với các chùa, cơ sở tự viện có đông tăng ni sinh hoạt (lớn hơn 20 người), chia nhỏ khi thực hành tụng niệm mỗi ngày.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, hình thức thực hành lễ trực tuyến đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của xã hội. Hơn hết, sự linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng bằng hình thức trực tuyến đã góp phần hạn chế việc tập trung đông người, lây lan của dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 19/3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi tăng ni, Phật tử cả nước không tổ chức rước xe hoa và tập trung đông người dịp đại lễ Phật đản. Ngày 20/3, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các tổ chức tôn giáo dừng các sự kiện lớn gồm: Lễ Phục sinh trong Công giáo và Tin lành; lễ Phật đản trong Phật giáo; Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer; đại hội nhiệm kỳ của Hội thánh Cao Đài...