Theo ông Văn Phú Chính, thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, 18 tỉnh miền núi phía Bắc đã thực hiện di dời 9.705 hộ dân, trong đó có 4.981 hộ dân vùng thiên tai, đạt khoảng 46% so với kế hoạch đề ra.
Bên cạnh giải pháp di dời dân khỏi vùng thiên tai, những năm qua, nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai cho khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã được Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, các bộ ngành, các địa phương tích cực triển khai. Đến nay, 8/18 tỉnh miền núi phía Bắc đã hoàn thành phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; 15/18 tỉnh thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó, 11/18 tỉnh đã tiến hành thu quỹ với tổng kinh phí trên 120 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” ban hành kèm theo Quyết định số 351/QĐ-TTg ngày 27/3/2012, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã hoàn thành bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá của 14/18 tỉnh khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An. Đồng thời, hoàn thành bản đồ phân vùng và cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá của 4 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Bằng các nguồn vốn T.Ư, địa phương, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc đã thực hiện lắp đặt 54 trạm đo mưa chuyên dùng tại các tỉnh: Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, công tác trồng và bảo vệ rừng cũng được các tỉnh quan tâm, thực hiện, trong 5 năm vừa qua, đa trồng mới hơn 97.000ha rừng (trong đó có 84.000ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ, đặc dụng... Hiện, tỷ lệ che phủ rừng khu vực miền núi phía Bắc đạt gần 41,2%. Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đang phấn đấu nâng con số trên lên 51,3% trong năm 2017.