Vì sao rác thải sinh hoạt ở TP Thanh Hóa bị ùn ứ?
Kinhtedothi - Hàng chục người dân xã Đông Nam, TP Thanh Hóa đã tụ tập chặn xe vận chuyển rác vào Khu xử lý rác thải Đông Nam để phản đối tình trạng ô nhiễm kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân khiến rác thải sinh hoạt mấy ngày qua ở TP Thanh Hóa bị ùn ứ.

Người dân dựng lều trước cổng Khu xử lý rác thải Đông Nam để phản đối tình trạng ô nhiễm kéo dài.
Những ngày qua, người dân thôn Sơn Lương và Hạnh Phúc Đoàn (xã Đông Nam, TP Thanh Hóa) đã tập trung tại cổng Khu xử lý rác thải Đông Nam, chặn không cho xe rác vào. Đây là nơi tiếp nhận và xử lý phần lớn rác thải sinh hoạt của TP Thanh Hóa, và tình trạng ô nhiễm kéo dài đã khiến người dân phản đối mạnh mẽ.

Người dân tập trung trước cổng Khu xử lý rác thải Đông Nam suốt 3 ngày qua để phản đối tình trạng ô nhiễm.
Nguyên nhân là do mùi hôi thối nồng nặc từ bãi rác phát tán mạnh, nhất là vào những ngày nắng nóng, độ ẩm cao. Cùng với đó, ruồi muỗi sinh sôi dày đặc, len lỏi vào từng bữa cơm, giấc ngủ của người dân.

Khu xử lý rác thải Đông Nam
“Cửa đóng cả ngày cũng không ngăn được mùi hôi thối. Ruồi bu kín mâm cơm. Trẻ con, người già thường xuyên mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên vì mùi hôi và ruồi muỗi quá nhiều. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nhưng tình trạng không những không cải thiện mà còn tồi tệ hơn. Giờ chỉ còn cách chặn xe để đòi quyền được hít thở không khí sạch”- chị L, người dân sống gần bãi rác, bức xúc nói.
Do bị người dân chặn xe nên những ngày qua, hoạt động thu gom rác sinh hoạt tại nhiều phường, xã trên địa bàn TP Thanh Hóa bị gián đoạn. Hàng loạt bãi tập kết rác phát sinh trong nội thành đang quá tải, bốc mùi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị và môi trường sống.

Nhiều điểm tập kết rác trên địa bàn TP Thanh Hóa đang bị ùn ứ nghiêm trọng.
Trước phản ứng quyết liệt của người dân, UBND TP Thanh Hóa đã ban hành Văn bản số 3295/UBND-NNMT yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục ô nhiễm tại Khu xử lý rác Đông Nam.
Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Ecotech - đơn vị vận hành nhà máy xử lý rác - được yêu cầu tăng tần suất phun chế phẩm sinh học, che phủ kín khu vực ủ rác, hạn chế đảo rác vào thời điểm nắng nóng, nồm ẩm để giảm phát tán mùi.
Đối với khu chôn lấp rác do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa quản lý, TP yêu cầu xử lý mùi triệt để tại ô chôn lấp số 7, các mương rãnh nước rỉ rác, đồng thời khẩn trương che phủ toàn bộ các ô chôn lấp đã ngừng tiếp nhận rác nhưng bị rách bạt.

Bãi rác Đông Nam từng nhiều lần bị người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường.
UBND xã Đông Nam được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thống nhất các giải pháp khắc phục. Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thành phố cũng được yêu cầu giám sát chặt việc triển khai, kịp thời báo cáo nếu có diễn biến phức tạp.
Tình trạng ô nhiễm kéo dài tại Khu xử lý rác Đông Nam không chỉ là bài toán môi trường, mà còn là vấn đề dân sinh, an ninh trật tự. Việc người dân chặn xe rác là hành động phản kháng cuối cùng sau nhiều năm chịu đựng và cho thấy sự cấp thiết phải thay đổi tư duy và cách làm trong xử lý rác thải đô thị.

Người dân dựng lều trước cổng Khu xử lý rác thải Đông Nam để phản đối tình trạng ô nhiễm kéo dài.
Cũng vì lý do này, rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện đang ùn ứ, không được thu gom theo đúng quy định, gây áp lực lớn lên hệ thống vệ sinh môi trường toàn TP.

Tagom và hành trình biến rác thải thành tài nguyên tái sinh
Kinhtedothi - Các thành viên của Tagom - dự án vì môi trường vẫn ngày ngày lặng thầm “cứu hộ” rác thải, phân loại và biến rác thành tài nguyên tái sinh.

Hà Nội và cuộc chiến giảm thiểu rác thải nhựa
Kinhtedothi- Rác thải nhựa đang trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường và sức khỏe người dân, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Thủ đô đang đối mặt với bài toán cân bằng giữa phát triển và kiểm soát ô nhiễm nhựa, đòi hỏi những giải pháp bền vững từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Luật Thủ đô 2024 được nhận định là căn cứ pháp lý hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

TP Hồ Chí Minh: chủ động trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt
Kinhtedothi – Bãi chôn lấp dự phòng xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ giúp TP Hồ Chí Minh chủ động trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt cũng như dự phòng trong các tình huống khẩn cấp đồng thời đảm bảo yêu cầu an ninh chất thải cho TP.