Di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi trung tâm Hà Nội: Việc cấp thiết phải làm

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã đề xuất 3 phương án di chuyển bộ, ngành T.Ư ra khỏi trung tâm TP Hà Nội. Phương án thứ nhất là di chuyển trụ sở các bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây; thứ hai di chuyển về khu vực Mễ Trì Hạ; thứ 3 di chuyển về cả hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ.

Rất nhiều trụ sở các bộ, ngành T.Ư đang hiện diện trên các công trình kiến trúc Pháp cổ tại trung tâm Hà Nội.
Xoay quanh vấn đề này, vẫn có những ý kiến trái chiều về nên hay không nên di chuyển với khoản kinh phí dự kiến lên tới 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia về quy hoạch, quản lý đô thị đều cho rằng, việc di chuyển là cấp thiết và phù hợp với sự phát triển, kiện toàn các chức năng đô thị của Thủ đô.
Tất yếu để phát triển

Theo kế hoạch được đề xuất, 13 bộ, ngành sẽ được di chuyển đến địa điểm làm việc mới, gồm: Bộ KH&ĐT, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, GTVT, LĐTB&XH, Y tế, NN&PTNT, VHTT&DL, TT&TT, GD&ĐT, Ủy ban MTTQ Việt Nam, riêng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang xây dựng tại Mễ Trì Hạ. Tổng số người làm việc tại các cơ quan này khoảng 14.000 - 15.000 người, bình quân mỗi cơ quan từ 1.000 - 1.500 người. Theo TS.KTS Hoàng Hữu Phê - Chuyên gia về quy hoạch quản lý đô thị, tại khu vực trung tâm Thủ đô đã tập trung một lượng dân cư và hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dày đặc, luôn rơi vào tình trạng quá tải, với các hiện tượng kẹt xe, thiếu nước sạch, điện, môi trường ô nhiễm… thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Rất nhiều trụ sở làm việc của các bộ, ngành T.Ư đang hiện diện trên những công trình có kiến trúc Pháp cổ giữa trung tâm Hà Nội. Những công trình này được xác định có giá trị lịch sử to lớn đối với văn hóa của Thủ đô. Sau khi di chuyển, các địa điểm này có thể đấu giá một phần hoặc từng phần để khai thác thương mại và kết hợp với bảo tồn di sản kiến trúc.

PGS.TS Lê Quân - Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Cách đây hơn 10 năm, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã quyết định mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô. Khi đó, nhiều người cho rằng mở rộng địa giới hành chính sẽ làm Hà Nội mất đi tính bản sắc của một Thủ đô hơn nghìn năm văn hiến. Nhưng thực tế, việc mở rộng địa giới hành chính để Hà Nội trở thành một đô thị đa chức năng, có đủ đất hoàn thiện các chức năng còn yếu hoặc chưa có, như: Vành đai xanh, các khu giãn dân, các khu đô thị sinh thái, các khu công nghệ cao, các khu xử lý chất thải môi trường và cả những cơ quan, nhà máy, trường học... Quan trọng hơn là tăng sức mạnh kinh tế cho Hà Nội để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đô thị khác trong khu vực và trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

“Các cơ quan giúp việc cho Chính phủ nằm xen với các khu dân cư đông đúc tại trung tâm đang gây khó khăn cho việc thiết kế chung đô thị. Vì vậy, việc di dời trụ sở các cơ quan Chính phủ được xem là tất yếu để cho Hà Nội có thể phát triển trong giai đoạn hiện nay” - TS.KTS Hoàng Hữu Phê nói. Ông cũng cho rằng, quá trình phát triển của các TP Thủ đô, bao giờ cũng hướng về việc trở thành các đô thị cạnh tranh về mặt kinh tế. Trong đó, tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đang sinh sống tại đô thị đó là mục tiêu cao nhất.

Tạo sức bật cho đô thị

Thực tế, trên thế giới đã chứng kiến rất nhiều sự di chuyển (hay nói cách khác là “tách rời”) của những trung tâm chính trị - hành chính và kinh tế, như: Canberra tách từ thủ đô tạm thời Melbourne năm 1927; Brasilia tách từ Rio de Janero năm 1960... Gần đây nhất là Putrajaya tách từ Kualar Lumpur năm 2002 để trở thành trung tâm chính trị - hành chính, mặc dù quốc hội vẫn ở Kuala Lumpur. Một trong các mục đích của việc tách này là nhằm tạo điều kiện cho Kuala Lumpur tiếp tục phát triển như một trung tâm tài chính - giao dịch.

Đa phần các chuyên gia đều cho rằng, khu vực trung tâm của Hà Nội đã hình thành hệ thống hạ tầng dịch vụ hoàn thiện, là địa điểm đặt trụ sở của nhiều công ty hàng đầu thế giới, là khu vực có nét kiến trúc văn hóa đặc thù thu hút làn sóng du lịch. Vì vậy, muốn Hà Nội thực sự có sức mạnh kinh tế để nâng cao chất lượng sống cho người dân và cạnh tranh sòng phẳng với các Thủ đô trên thế giới và trong khu vực, thì khu vực trung tâm nên ưu tiên để cho hệ thống tài chính - ngân hàng, cơ quan đầu não của các Tập đoàn hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là nơi để bảo tồn những công trình kiến trúc đặc trưng. Không chỉ vậy, xét về mặt xã hội học việc di chuyển các cơ quan giúp việc cho Chính phủ còn góp phần không nhỏ vào việc giảm tải áp lực hạ tầng cho khu vực trung tâm TP.

Về vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, mỗi ngày có hàng vạn người từ các vùng lân cận di chuyển vào khu vực trung tâm đến các cơ quan, bộ, ngành để làm việc đang tạo thêm những áp lực lớn cho hạ tầng giao thông và môi trường. “Việc di chuyển hàng vạn người ra làm việc tại khu vực vùng ven sẽ giúp cho khu vực trung tâm trở nên thông thoáng hơn và cũng là điều kiện tốt để chính quyền Hà Nội kiện toàn các chức năng đô thị đang còn thiếu của mình” - PGS.TS Lưu Đức Hải nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần