Di tích đền Chợ Giá: Nức danh một vùng

Xuân Hoàng - Thành Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm cạnh dòng sông Giá thơ mộng hiền hòa – nơi đây cũng là một phần hạ lưu của dòng sông Bạch Đằng oai hùng năm nào. Đền Chợ Giá thuộc xã Kênh Giang Thủy Nguyên được mệnh danh là ngôi đền thiêng và đẹp có một không hai ở TP Hải Phòng. Cụm di tích chợ Giá – Mỹ Giang là hợp nhất quần thể kiến trúc “ phong cảnh hữu tình”, được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố năm 2007.

 
Xưa Tổng đốc Nguyễn Tri Phương khi đi ngang qua nơi này đã phải thốt lên rằng;

“Đàn cò trắng đậu trong mơ

Xa xa dãy núi nhấp nhô trập trùng

Cửa đền soi bóng con sông

Dòng sông mang nặng ánh hồng phù sa.”

Đền chợ Giá:Theo thần phả làng Mỹ Giang có lược ghi; đền chợ Giá – Nghè Mỹ Giang có từ đầu thế kỉ XI, năm 1102 (di bút của Hàn Lâm Viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính). Vào năm Nhâm Ngọ Long Phù thứ 2, đất nước đang trong cảnh lầm than loạn lạc, khi ấy 30 vạn quân giặc Tống do tên tướng Nguyễn Ngao cầm đầu đang lăm le xâm lấn địa giới giang đầu. Bọn chúng cho đóng đồn tại Bạch Đằng Giang và An Lâm Thị. Thế giặc mạnh, triều đình lo lắng nhà Vua đích thân cầm quân đánh giặc. Đến Mỹ Giang Trang thuộc huyện Thủy Đường thời đó. Lúc này trời đã tối, đại quân của Vua đóng ở chùa Mỹ Cụ. Đêm nằm ngủ trong chùa, nhà Vua nằm mộng thấy có người con gái dung nhan yểu điệu, mi thanh mục tú xưng danh là Phổ Thị Huyền muốn tiến cử hai em là Phổ Hộ và Phổ Hóa đến giúp Vua diệt giặc. Sáng dậy Vua cho triệu tập dân làng đến hỏi sau đó đến chợ Giang Tân ( nay là chợ Giá) gặp được hai anh em họ Phổ. Vua lấy làm mừng bèn tiến cử 02 ông cầm 02 cánh quân bộ. Trận chiến năm ấy quân ta toàn thắng, tướng giặc Nguyễn Ngao bị bắt sống. Trong tiệc khao dân làng Vua còn đọc bài thơ:

Nhất triều tụ hội hoán tinh thần

Trẫm thị lương quân ngộ nghĩa thần

Trinh nữ nhất tiêu hồn báo mộng

Mỹ Giang hương hỏa ức niên xuân
 
Hai ông Phổ Hộ và Phổ Hóa được Vua phong là Hộ công tả bật nguyên soái; Hữu bật nguyên soái đại tướng công. Vua ban cho dân làng một trăm quan tiền để lập đền thờ bà Phổ Thị Huyền và ban truyền cho dân làng phải đời đời phụng thờ, hương hỏa bà. Theo thần phả còn lưu giữ tại đền, vào năm Duy Tân thứ 3 bà được truy phong là bản cảnh thành hoàng – Huệ đức Trinh linh – Phổ Thị Huyền càn quý – Lương Phạm Đình Quân công chúa. Đến năm Khải Định thứ 9 bà được sắc phong một lần nữa. Thật tự hào sau hơn 900 năm, nhiều lần trùng tu ngôi đền thờ bà Phổ Thị Huyền đã được phục dựng lại rất công phu nhờ vào công lao đóng góp của những người con quê hương cũng như du khách thập phương xa gần.

Xưa chợ Giá là nơi sầm uất, giao thương buôn bán, với khung cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập. Hiện nơi đây người dân đã dựng lại khu chợ xưa làm nơi buôn bán vật phẩm, sản vật để tái hiện lại cảnh tượng buôn bán khi xưa. Bên cạnh đó, người dân cũng không ngừng phục dựng lại cảnh quan của khu chợ để hợp thành một quần thể di tích đa dạng và thống nhất.

Thiếu tướng – Nguyên Giám đốc công an thành phố Hải Phòng - ông Đỗ Hữu Ca một người con của quê hương Kênh Giang cho biết; “ngôi đền thờ người con gái có công giúp Vua đánh giặc đã được phục dựng lên nhờ vào công lao đóng góp của rất nhiều người trong đó có nhiều người con của quê hương, có du khách thập phương. Ngoài việc bảo tồn tín ngưỡng tâm linh thì đây còn là nơi bảo tồn về giá trị văn hóa của người phương Đông. Những giá trị truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam- thể hiện truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý của dân tộc. Vì vậy việc bảo tồn các di tích là trách nhiệm chung của mọi người”. Hiện ngôi đền còn dấu tích của cây bồ đề có niên đại trên 500 năm và cây Thị trên 200 năm.
 
Một ngôi đền nằm cạnh dòng sông thơ mộng hiền hòa đã gợi về biết bao kí ức, về một thời chống giặc của cha ông ta. Ngày nay những dấu tích còn lưu giữ, để lại là những tư liệu đáng quý để con cháu đời sau tưởng nhớ đến công lao vĩ đại của một thời đã đi qua. Đền Chợ Giá gần gũi, gắn với người dân Kênh Giang từ bao đời nay, cùng với giếng nước, cây đa, sân đình thì di tích đền Chợ Giá đến nay đã được trùng tu giữ nguyên bản sắc văn hóa tâm linh.

Cụ Nguyễn Văn Quý – cao niên trong làng phấn khởi chia sẻ; trước đây cuộc sống người dân còn khó khăn, ăn không no, di tích xuống cấp, đường đi lối lại khó khăn, trường học của con em thì dột nát. Ngày nay nhờ sự chung sức, chung lòng của bà con làng xóm, của những người con xa quê có tâm đóng góp đã giúp cho Kênh Giang thay đổi. Trường học được xây mới, đường xá đạt chuẩn nông thôn mới, di tích được nâng cấp. Chúng tôi những người của lớp cũ vô cùng tự hào và mong muốn đây cũng là nơi tâm linh để con cháu đời sau còn ghi nhớ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần