Dịch sốt xuất huyết gia tăng mạnh: Nhiều người hiểu sai cách phòng bệnh

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trước sự gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhiều người dân sốt sắng tìm cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi các tác nhân gây bệnh.

Tuy nhiên, không ít người vẫn còn hiểu sai về các phương pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.
Diệt lăng quăng, bọ gậy là ưu tiên số một
Kể từ khi dịch bệnh SXH bùng phát trên địa bàn Hà Nội, hơn 500 chiến dịch vệ sinh môi trường (VSMT) được phát động đến từng ngõ, xóm. Vậy nhưng, khi nhắc đến tổng VSMT, người dân nghĩ ngay đến việc phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, quét dọn nhà cửa mà quên mất rằng muỗi Aedes truyền bệnh SXH đẻ trứng chủ yếu ở các dụng cụ chứa nước sạch trong nhà. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, việc khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm chỉ là “triệt” chỗ trú ngụ của loại muỗi truyền bệnh viêm não, do vậy quan trọng nhất để phòng chống SXH thì diệt lăng quăng, bọ gậy là ưu tiên số một. Ông Phu lưu ý, người dân nên lưu tâm đến các lọ hoa, bát nước kê chân chạn hay những chai lọ phế thải ngoài vườn là những nơi muỗi vằn hay đẻ trứng mà lại ít được chú ý.

Lật úp các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng, bọ gậy phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Trần Nga

Bên cạnh đó, theo Trưởng phòng Ký sinh trùng côn trùng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Hà Tấn Dũng, người dân nên thận trọng khi tự ý phun thuốc diệt muỗi. Bởi lẽ, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc diệt muỗi không nhãn mác, không bao bì ghi nguồn gốc sản phẩm bày bán tràn lan. Nếu người dân mua phải những loại thuốc không được cấp phép sử dụng trong môi trường cho người, những loại thuốc dùng trong nông nghiệp sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến hiện tượng kháng thuốc trong cả cộng đồng. Việc phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế. Hơn nữa, phun thuốc sẽ không còn hiệu quả nếu trong nhà vẫn có các ổ lăng quăng, bọ gậy thì muỗi truyền bệnh SXH sẽ lại phát triển và gây bệnh.
Lưu ý khi điều trị tại nhà
Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai Đỗ Duy Cường cho biết, SXH là bệnh có thể khỏi hoặc tự khỏi, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện những biến chứng nguy hiểm, nặng có thể tử vong. Người mắc SXH có thể điều trị tại nhà đối với những trường hợp nhẹ khi đã được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn cụ thể. Nếu trong trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể uống thuốc hạ sốt, bù dịch tại nhà, sau khoảng một tuần, bệnh nhân sẽ hồi phục. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải đến khám lại hoặc có sự giám sát của bác sĩ. Nếu cần phải xét nghiệm máu, kể cả xét nghiệm máu tại nhà. Khi điều trị tại nhà, người bệnh cần lưu ý về việc dùng thuốc. Thuốc hạ sốt dùng trong chữa SXH là paracetamol, ngoài ra có thể hạ nhiệt bằng đắp khăn ấm. Cần lưu ý dùng đúng, nếu sốt trên 38,5 độ C mới dùng thuốc, sau 4 - 6 giờ mới được dùng tiếp, đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em. Đối với những người mắc SXH có những dấu hiệu cảnh báo như hạ tiểu cầu, xuất huyết, tổn thương chức năng thận, chức năng gan, mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt… thì cần nhập viện ngay để điều trị và theo dõi sát sao.
Bác sĩ Cường nhấn mạnh những biện pháp hạ sốt tuyệt đối không được sử dụng tại nhà khi điều trị SXH: Thứ nhất là không dùng thuốc aspirin, ibuprofen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Thứ hai, không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị SXH vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng. Thứ ba, không dùng kháng sinh vì SXH là sốt do virus mà kháng sinh không có tác dụng với virus.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần