Điểm nhấn công nghệ tuần: Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa; Bộ TT&TT sẽ lập danh sách các kênh YouTube “sạch” để xử lý thông tin xấu độc; 57.000 người lộ thông tin vì Fanpage giả mạo U23 Việt Nam... là nội dung chú ý tuần qua.

Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa
Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa. Ảnh minh họa.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa, Phó Thủ tướng giao các bộ, cơ quan chủ động phối hợp với Bộ KH&CN đóng góp các thông tin, dữ liệu công khai đối với hoạt động chuyên ngành vào Hệ tri thức Việt số hóa theo nội dung nêu tại Quyết định số 677 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa, công văn số 186 của Bộ KH&CN.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa; chịu trách nhiệm chủ trì, điều phối chung.
Bộ cũng tổng hợp, theo dõi và đánh giá mức độ phát triển của Hệ tri thức Việt số hóa; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa với mục tiêu xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất...
Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi người dân và doanh nghiệp tham gia, với vai trò vừa khai thác vừa đóng góp để làm giàu các tài nguyên tri thức số hóa của Việt Nam.
Đồng thời khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học và công nghệ, khát vọng sáng tạo, cống hiến của mọi người, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức và các doanh nghiệp CNTT trong việc tạo lập, làm giàu và phổ biến tri thức; từng bước góp phần phát triển công nghiệp nội dung số của Việt Nam, định hướng việc sử dụng tri thức của người dùng trên môi trường mạng.
Bộ TT&TT sẽ lập danh sách các kênh YouTube “sạch” để xử lý thông tin xấu độc
Bộ TT&TT sẽ lập danh sách các kênh YouTube “sạch”. Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề Bộ TT&TT Việt Nam có những biện pháp mạnh tay như thế nào để xử lý các thông tin độc hại trên mạng xã hội, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, Cục sẽ phân loại các kênh nội dung trên YouTube làm hai danh sách: trắng và đen.
Danh sách trắng là các trang có nội dung sạch, các nhãn hãng có thể quảng cáo, còn danh sách đen là các trang có nội dung có nội dung xấu độc, các nhãn hàng không nên có quảng cáo xuất hiện.
Trước đây Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã có xác định danh sách đen các kênh YouTube có nội dung xấu độc. Nội dung trên YouTube không thể kiểm soát nổi do hàng ngày có tới hàng chục ngàn các clip mới đăng lên. Google gỡ bỏ hàng ngàn các video có nội dung xấu độc, nhưng chỉ trong thời gian ngắn sẽ xuất hiện hàng ngàn clip xấu độc khác.
Trên toàn cầu tính bình quân cứ 1 phút có 400.000 clip được đăng lên YouTube, toàn cầu có 350 triệu kênh YouTube để đăng tải clip, ở Việt Nam có 78.000 kênh YouTube của người Việt Nam, một tháng có khoảng 4 tỷ phút clip được đăng lên.
Do đặc thù của mạng xã hội tất cả nội dung đều là hậu kiểm hết, bất cứ ai cũng có thể lập tài khoản và đăng bất cứ thứ gì lên. Với đặc điểm này công tác tiền kiểm không hi vọng kiểm soát nổi, công tác hậu kiểm luôn trong tình trạng quá tải.
Do đó chỉ còn một cách phải lập ra danh sách kênh sạch được thiết lập từ những cá nhân, tổ chức có uy tín và có cam kết với Bộ TT&TT. Luật pháp hiện không bắt buộc người dùng mạng xã hội phải dùng tên thật, nếu không có cam kết với Bộ TT&TT họ có tâm lý muốn nói gì cũng được, muốn đăng gì cũng được. Khi có nhân thân rõ ràng thì họ sẽ phải cân nhắc khi đăng lên mạng xã hội.
Việc lập ra một danh sách các kênh YouTube sạch để khuyến khích những tổ chức, cá nhân muốn làm ăn đàng hoàng thì hãy đăng ký với Bộ TT&TT. Nhất là những ai muốn kiểm tiền từ sản xuất nội dung trên YouTube lâu dài.
Hiện nay đội ngũ phát triển nội dung trên YouTube đang phát triển chóng mặt, họ kiếm được khá nhiều tiền, doanh thu của một nhóm sản xuất nội dung có khi lên tới vài triệu USD nhưng học không phải đóng thuế, không tuân thủ pháp luật.
Ông Do cũng cho hay, nhiều nhóm phát triển nội dung có sai phạm, sau khi làm việc với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử họ mong muốn được làm ăn và kiếm tiền lâu dài và sẵn sàng tuân thủ pháp luật.
Việc lập ra danh sách kênh sạch cho các nhà phát triển nội dung tự nguyện đăng ký với Bộ TT&TT để Bộ gửi danh sách này cho các đại lý quảng cáo, doanh nghiệp để họ quảng cáo lên đó.
Việc quản lý các kênh YouTube trong nước sẽ tránh được hiện tượng quảng cáo trên các kênh xấu độc của các nhãn hàng. Công việc chuẩn bị cho giải pháp này đang được Cục tiến hành, Cục tin tưởng đây là giải pháp hiệu quả phòng chống thông tin xấu độc, giúp nhà nước thu thuế được từ những người làm nội dung trên YouTube.
Năm 2017 được Bộ TT&TT đánh giá là năm có bước chuyển biến mạnh mẽ đối với nhận thức của người dân và cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác đấu tranh với thông tin xấu độc trên mạng xã hội, bảo vệ thương hiệu trên môi trường mạng.
57.000 người lộ thông tin vì Fanpage giả mạo U23 Việt Nam
57.000 người lộ thông tin vì Fanpage giả mạo U23 Việt Nam
Sau chiến thắng ấn tượng của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam kể từ trận bán kết giải Vô địch bóng đá U23 châu Á (AFC) 2018, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện hàng loạt các tài khoản mạo danh cầu thủ, huấn luyện viên của đội tuyển. Theo trào lưu những ngày gần đây, kẻ xấu liên tục tạo các trang cá nhân, page giả mạo của các cầu thủ và đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam.
Theo thông tin phát đi trên diễn đàn bảo mật WhiteHat (của Bkav), vừa qua đã có một fanpage trên Facebook giả mạo đội tuyển U23 Việt Nam. Không chỉ "câu" like và số lượt follow mà fanpage này còn chia sẻ thông tin giả mạo về việc "tặng mỗi cổ động viên 1 tờ lịch có hình tập thể và có tất cả chứ ký của thành phần đoàn, có đóng mộc của ban tổ chức giải". ​
Trong bài đăng tặng lịch U23 Việt Nam, kẻ xấu còn yêu cầu các fan hâm mộ bình luận họ tên, số điện thoại, địa chỉ, đồng thời phải nhấn nút Like và chia sẻ fanpage.
Theo thống kê ban đầu, đã có 27.000 người thực hiện theo các yêu cầu trên; sau đó tăng nhanh lên 57.000 người và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Quản trị diễn đàn WhiteHat.vn cho biết, việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin rất cao khi người dùng Facebook đã tự gửi các thông tin cá nhân của mình.
Từ đây kẻ xấu có thể chiếm đoạt các tài khoản Facebook được bảo mật yếu và từ đó tiến hành lừa đảo bằng hình thức nhờ bạn bè mua thẻ cào hộ hoặc nhận tiền qua mạng.
Ngoài ra người dùng có thể bị bán thông tin cho các dịch vụ quảng cáo, bị nhắn tin/gọi điện mời chào các dịch vụ nhà đất, bảo hiểm...

Theo đó, WhiteHat khuyến cáo người dùng cần cảnh báo trước các tin giả trên Facebook. Nếu gặp các trang giả mạo người dùng có thể tiến hành report để Facebook xử lý.
Nếu gặp các trang giả mạo, người dùng có thể báo cáo để Facebook xử lý theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào fanpage mà bạn muốn báo cáo; Bước 2: Nhấp vào biểu tượng ba chấm bên dưới ảnh bìa của fanpage; Bước 3: Chọn chức năng báo cáo fanpage; Bước 4: Chọn lý do đó là một fanpage lừa đảo; Bước 5: Chọn ẩn tất cả từ fanpage giả mạo.
Xuất khẩu điện thoại đạt hơn 4 tỷ USD trong tháng 1/2018
Xuất khẩu điện thoại đạt hơn 4 tỷ USD trong tháng 1/2018. Ảnh minh họa
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2018 ước tính đạt 19,0 tỷ USD, giảm 3,3% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 tăng mạnh với mức 33,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 33,7%.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 80,7%; hàng dệt may đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 37,9%; giày dép đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,5%;
Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 18,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 730 triệu USD, tăng 22%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 620 triệu USD, tăng 3,5%; cà phê đạt 340 triệu USD, tăng 7,7%; rau quả đạt 320 triệu USD, tăng 36,4%.
Thị trường hàng hóa xuất khẩu lớn gồm có Trung Quốc, Hoa Kỳ, thị trường EU, Hàn Quốc…
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2018 ước tính đạt 19,3 tỷ USD, giảm 3% so với tháng trước. Ví dụ, kim ngạch nhập khẩu ô tô đạt 304 triệu USD, giảm 52,1%.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng như điện thoại và linh kiện tăng 115,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 72,3%.
Tính đến hết tháng 1/2018, thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc đạt 5,7 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2017; Hàn Quốc đạt 4,2 tỷ USD, tăng 54,2%; ASEAN đạt 2,6 tỷ USD, tăng 46,3%; Nhật Bản đạt 1,7 tỷ USD, tăng 93,1%; EU đạt 1,1 tỷ USD, tăng 34,1%; Hoa Kỳ đạt 780 triệu USD, tăng 15,4%.
Tổng cục Thống kê đánh giá, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2018 ước tính tăng mạnh 47,4% do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần