Điểm nhấn công nghệ tuần: Lùi ngày sửa cáp quang biển AAG và SMW-3

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lùi ngày sửa cáp quang biển AAG và SMW-3; Hà Nội sẽ ứng dụng AI trong dịch vụ hành chính công; hacker Việt bị bắt vì đột nhập hệ thống an ninh sân bay Úc... là nội dung chú ý tuần qua.

Lùi ngày sửa cáp quang biển AAG và SMW-3
 Kéo dài thời gian sửa cáp quang AAG và SMW-3. Ảnh minh họa
Theo thông tin từ VNPT, việc sửa chữa tuyến cáp quang biển SMW-3 sẽ kéo dài hơn so với dự kiến. Cụ thể, thay vì sửa xong vào ngày 10/12 như kế hoạch thì thời gian khắc phục xử lý lỗi trên tuyến cáp quang biển SMW-3 sẽ bắt đầu từ ngày 21 - 26/12.
Cáp quang biển SMW-3 gặp sự cố lần thứ 2 trong năm nay vào 5h10 ngày 10/10/2017. Nguyên nhân được xác định là do lỗi cáp tại vùng biển gần Trung Quốc. Từ thời điểm gặp sự cố đến nay, lịch sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển này đã ba lần bị lùi.
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ VNPT, lịch sửa chữa mới của tuyến cáp biển này dự kiến là từ ngày 21/12 đến 26/12/2017, thay vì kết thúc việc sửa chữa cáp vào khoảng từ ngày 7/12 đến 10/12/2017 như kế hoạch dự kiến trước đó.
Cũng theo VNPT, sau khi khắc phục xong lỗi trên tuyến SMW-3 thì tàu sửa cáp mới tiếp tục tiến hành sửa lỗi trên tuyến cáp AAG nên tiến độ xử lý lỗi trên tuyến cáp AAG cũng sẽ bị kéo dài.
AAG gặp sự cố lần thứ 5 trong năm nay vào 9h15 sáng 7/11/2017. Sự cố xảy ra trên tuyến cáp biển AAG lần này được xác định là lỗi dò nguồn giữa trạm cập bờ VTU và BU4, cách trạm cập bờ Vũng Tàu (VTU) khoảng 35,89km. Thời gian khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển AAG được đối tác quốc tế dự kiến trước đó là từ ngày 14/12 đến ngày 18/12/2017.
Hà Nội sẽ ứng dụng AI trong dịch vụ hành chính công
 Hà Nội sẽ ứng dụng AI trong dịch vụ hành chính công. Ảnh minh họa.
Cùng với việc hoàn thành Cổng thông tin du lịch Hà Nội cung cấp thông tin thiết yếu cho du khách vào cuối tháng 12/2017, Hà Nội cũng dự kiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải đáp, hướng dẫn công dân, doanh nghiệp về dịch vụ hành chính công của Thành phố.
Được UBND TP.Hà Nội xác định là năm đột phá căn bản về CNTT, năm 2017 Thành phố đã tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT nhằm tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử và xây dựng thành phố thông minh.
Thời gian qua, UBND TP.Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở TT&TT hoàn thiện và trình UBND Thành phố phê duyệt Khung kiến trúc, chiến lược, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện và xây dựng đề án thành phố thông minh.
Thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội cho hay, hiện Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố.
Đáng chú ý, Sở TT&TT Hà Nội cho biết, năm 2017 Thành phố đã hoàn thành việc xác định các yêu cầu và tích cực chuẩn bị triển các thành phần quan trọng xây dựng thành phố thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố; Hệ thống giao thông thông minh; Hệ thống du lịch thông minh.
Bên cạnh đó, Thành phố đang chuẩn bị quy hoạch các đầu số viễn thông để cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp theo hình thức tập trung qua mạng viễn thông và mạng xã hội gắn với việc hình thành Trung tâm giám sát, điều hành tập trung, bao gồm: đầu số tiếp nhận, xử lý, cung cấp các thông tin liên quan đến dịch vụ hành chính công và các vấn đề dân sinh bức xúc (dự kiến sử dụng đầu số 1024); đầu số cung cấp các dịch vụ công ích có thu phí, lệ phí và thực hiện thanh toán qua mạng viễn thông (dự kiến dùng đầu số 9556); và đầu số tích hợp các cuộc gọi khẩn cấp (112).
Hacker Việt bị bắt vì đột nhập hệ thống an ninh sân bay Úc
 Hacker Việt bị bắt vì đột nhập hệ thống an ninh sân bay Úc. Ảnh minh họa
Theo thông tin từ trang The West Australian, Lê Đức Hoàng Hải, một công dân Việt Nam, 31 tuổi đã bị cảnh sát Úc bắt giữ, tuy nhiên thời điểm chính xác bị bắt không được công bố. Theo tin từ truyền thông Úc, hacker này được xác định đã tấn công tấn vào hệ thống sân bay và lấy trộm các bản vẽ xây dựng tòa nhà và thông tin an ninh.
Trang này cho biết, phương thức tấn công của Lê Đức Hoàng Hải không phải là một kỹ thuật đặc biệt như tấn công vào lỗ hổng mà là sử dụng thông tin đăng nhập của nhà thầu thứ 3 để tiếp cận hệ thống thông tin của sân bay. Trang web cũng cho biết, cảnh sát đang làm rõ vì sao hacker này có được thông tin và quyền truy cập vào các thông tin này.
Tuy nhiên, hacker người Việt đã không truy cập được vào bất kỳ thông tin cá nhân nào và chưa lấy được bất cứ dữ liệu gì, như dữ liệu thẻ tín dụng và không có bằng chứng nào cho thấy Lê Đức Hoàng Hải có thể bán dữ liệu trước khi bị bắt.
Kevin Brown, giám đốc điều hành sân bay Perth, nói rằng sự việc này không gây bất cứ ảnh hưởng nào đến an toàn bay, khách hàng và an ninh của sân bay sau khi đánh giá toàn diện lại vụ việc.
Đây không phải là lần đầu tiên Hải bị kết tội xâm phạm bất hợp pháp vào mạng máy tính. “Anh ta bị nghi ngờ xâm nhập vào các tổ chức khác ở nước mình, như ngân hàng, công ty viễn thông, và thậm chí cả trang web của quân đội.
Lê Đức Hoàng Hải đã bị bắt và bị kết án bốn năm tù vì tấn cộng hệ thống an ninh sân bay của Úc.
Tổng thống Trump ký lệnh cấm dùng phần mềm Kaspersky
 Tổng thống Trump ký lệnh cấm dùng phần mềm Kaspersky. Ảnh minh họa
Ngày 13/12, Tổng thống Mỹ đã ký lệnh loại bỏ phần mềm chống virus Kaspersky Lab của Nga ra khỏi hệ thống mạng liên bang. Đồng thời, thêm điều khoản này vào "Đạo luật ủy quyền quốc phòng" (NDAA) cho năm 2018.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của bang New Hampshire, người đã đề xướng chính sách cho biết, xét về những rủi ro nghiêm trọng mà phần mềm Kaspersky Lab có thể gây ra đối với an ninh quốc gia, cần mở rộng và củng cố chỉ thị hiện tại để loại bỏ hoàn toàn phần mềm ra khỏi máy tính của chính phủ.
Lệnh cấm đã được đưa vào "Đạo luật ủy quyền quốc phòng" (NDAA) cho năm 2018 của Mỹ, ngăn không cho tất cả các máy tính liên bang và kết nối mạng sử dụng phần mềm chống virus do công ty an ninh mạng của Nga cung cấp".
Lệnh cấm Kaspersky xuất hiện trong phần thứ 1634 của đạo luật NDAA năm 2018 của Mỹ. Vào tuần trước hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật Kaspersky Lab của Nga cũng tuyên bố sẽ đóng cửa các văn phòng ở thủ đô Washington của Mỹ vì lý do "không còn khả thi nữa".