Điểm nhấn công nghệ tuần: Website sân bay Tân Sơn Nhất bị tin tặc tấn công

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tin tặc không hề lấy hay xóa bất kỳ dữ liệu nào trong hệ thống của sân bay Tân Sơn Nhất khi thực hiện tấn công vào website của đơn vị này.rn

Liên tiếp website hàng không bị tin tặc tấn công
Khoảng 22h ngày 8/3 nhiều người không thể truy cập vào trang web của sân bay Tân Sơn Nhất (www.tansonnhatairport.vn), thậm chí trên trang chủ của website này hacker còn để lại dòng chữ: “Bạn đã bị hack”. Sau đó, phía Cục Hàng không cũng đã xác nhận website của sân bay đã bị tin tặc tấn công.
 Lời nhắn của hacker trên trang web của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết thêm, đây không phải là vụ tấn công tin tặc bình thường bởi hacker đã không lấy hay xóa bất kỳ dữ liệu nào trong hệ thống. Đến khoảng 10h ngày 9/3/2017, hệ thống website đã được khôi phục và hoạt động bình thường. Trong quá trình trang web xảy ra sự cố, tình hình hoạt động khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng.
Trước đó, ngày 29/7/2016, website của Vietnam Airlines bị thay đổi giao diện bằng hình ảnh nhóm hacker 1937cn, đồng thời dữ liệu của hơn 400.000 khách hàng Bông Sen Vàng bị rò rỉ lên mạng. Hệ thống âm thanh tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài cũng bị can thiệp, đưa ra thông tin xuyên tạc liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Tháo gỡ khó khăn cho Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc
Tuần qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi họp về tháo gỡ khó khăn cho Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ. Được biết, tới nay hoạt động của Vườn ươm còn hạn chế, khi mới thu hút được 3 doanh nghiệp tham gia ươm tạo với số vốn đầu tư là hơn 17 tỷ đồng, diện tích lấp đầy là 200 m2 trên tổng diện tích hơn 13.000 m2.
 
Để hoạt động của Vườn ươm hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với phía Hàn Quốc để thúc đẩy hỗ trợ các gói tài chính mua sắm trang thiết bị, cử chuyên gia chuyển giao kỹ thuật điều hành Vườn ươm cho Cần Thơ. Bộ Công Thương rà soát lại các nội dung của Quyết định số 1193 để xác lập mô hình hoạt động của Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại Cần Thơ theo hướng hoạt động tự chủ, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ hoạt động cho Vườn ươm.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với pháp luật hiện hành, áp dụng thí điểm cho Vườn ươm.
Bộ KH&CN được giao hỗ trợ về chuyên gia tư vấn về quy trình ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực liên quan cho Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại Cần Thơ.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại Cần Thơ cũng cần tìm cơ chế sử dụng chuyên gia khoa học từ các trường đại học trên địa bàn TP.Cần Thơ; xây dựng hệ thống dữ liệu các chuyên gia, dữ liệu về công nghệ và tăng cường truyền thông, quảng bá để kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân trong nước và cả nước ngoài tới ươm tạo, khởi nghiệp.
Dự án Vườn ươm công nghệ này là kết quả từ chương trình hợp tác toàn diện giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng vốn đầu tư của Vườn ươm là hơn 21 triệu USD, trong đó có nguồn đối ứng của Cần Thơ là 3,43 triệu USD nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp không chỉ cho TP Cần Thơ mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ quý III/2015, Vườn ươm này đã đi vào hoạt động.
Viettel, VinaPhone và MobiFone được định giá thương hiệu bao nhiêu ?
Theo nhận định của Công ty định giá thương hiệu Brand Finance, trong Top 20 thương hiệu viễn thông lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Viettel Telecom đứng vị trí thứ 2, VinaPhone đứng thứ 10 và MobiFone đứng thứ 17.
 
Cụ thể, đứng thứ nhất là Telkom của Indonesia với giá trị thương hiệu đạt 4.335 triệu USD, đứng thứ 40 thế giới; Viettel xếp thứ 2 với 2.686 triệu USD, đứng thứ 49 thế giới, xếp trên Singtel (Singapore), Axiata (Malaysia), PLDT (Philippines), Maxis (Malaysia), PLTD (Philippines)…
Trong khi đó, VinaPhone được xếp thứ 10 với 1.040 triệu USD, thứ 89 thế giới; MobiFone là 391 triệu USD, xếp thứ 17 khu vực, 139 trên thế giới.
Theo đại diện Brand Finance, có ba yếu tố chính tác động đến giá trị thương hiệu đó là sức mạnh thương hiệu, hiệu quả kinh doanh và các khía cạnh bên ngoài. Trong đó, sức mạnh thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất bởi đây là nơi tổ chức có quyền kiểm soát nhất và đó cũng là nơi mọi khoản chi cho tiếp thị được tiêu.
Cổng thông tin thương mại Việt Nam sẽ hoạt động từ quý II/2017
Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP) đã được xây dựng hoàn tất, sẵn sàng khai trương trong quý II/2017 theo cam kết tại Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới. Đây cũng là công cụ hữu hiệu tạo thuận lợi hơn nữa cho các bên có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và quá cảnh với Việt Nam.
 
Không những thế, trang web còn là công cụ để minh bạch hóa chính sách, như tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và cũng theo kịp xu thế của Hải quan thế giới - Hải quan kỹ thuật số 2016. Cũng như địa điểm cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến quản lý hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, gồm chính sách của các Bộ ngành quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu.
Trước mắt, Cổng thông tin thương mại Việt Nam sẽ đăng tải khoảng 801 văn bản pháp lý; 355 thủ tục; 337 biểu mẫu; 391 biện pháp...; đăng thông tin hướng dẫn về quy trình và thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh ở Việt Nam; lựa chọn tìm kiếm đối với hàng hóa và mã hồ sơ, văn bản pháp luật, thủ tục, biểu mẫu, biện pháp, tiêu chuẩn và các quy định khác.