Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập huyện Sóc Sơn (1977 - 2022)

Điểm sáng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở phía Bắc Thủ đô

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm thành lập huyện cách đây 45 năm, Sóc Sơn có điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Dù vậy, sau gần nửa thế kỷ đi lên cùng Thủ đô và đất nước, đến nay cơ cấu kinh tế của địa phương đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực.

Nông nghiệp không còn là “trung tâm kinh tế số một”

Huyện Sóc Sơn là địa phương có vị trí quan trọng, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô. Nơi đây là vị trí đầu mối giao thông với hệ thống Quốc lộ 2, Quốc lộ 3; đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên; gần 30km đường thủy sông Cà Lồ, sông Cầu và sông Công. Đặc biệt là có sân bay Quân sự và sân bay quốc tế Nội Bài.

Tuy nhiên, thời điểm mới thành lập huyện 45 năm trước, huyện Sóc Sơn còn gặp nhiều khó khăn với cơ sở hạ tầng. Giao thông nội huyện thiếu thốn, xuống cấp, hầu như không có đường bê tông nhựa. Diện tích canh tác nông nghiệp lớn, nhưng chủ yếu là đồi núi trọc, đất nông nghiệp bạc màu, thiếu chủ động về tưới tiêu...

Trung tâm huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) nhìn từ trên cao.
Trung tâm huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) nhìn từ trên cao.

Khi mới thành lập huyện, nông nghiệp được xác định là lĩnh vực “kinh tế trung tâm số một”. Toàn huyện chỉ có gần chục cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Cơ bản trong đó là các công ty, xưởng sản xuất của Nhà nước và các hợp tác xã. Nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn, số hộ đói nghèo cao.

Tháng 10/1977, Huyện ủy, bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị huyện Sóc Sơn chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Khắc phục khó khăn những ngày đầu thành lập huyện, dưới sự lãnh đạo, quan tâm của tỉnh Vĩnh Phú và TP Hà Nội, Nhân dân huyện Sóc Sơn đã phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua nhiều khó khăn để phục hồi kinh tế sau chiến tranh.

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt bình quân 7,4%/năm; sau đó tăng lên 10,43%/năm giai đoạn 2001 - 2005. Đến giai đoạn 2006 - 2010, con số này tăng lên 12,37%/năm. Giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng đạt 8,71%/năm; giai đoạn 2015 - 2020, tăng lên 9,64%/năm.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Sóc Sơn vẫn đạt 4,96% (gấp 1,9 lần so với cả nước và 1,5 lần so với TP Hà Nội). Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn từ 2.079,9 tỷ đồng năm 2000 tăng lên 14.271,2 tỷ đồng năm 2010; đến năm 2021, tăng lên 18.223 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ. Khi mới thành lập huyện, nông nghiệp được xác định là lĩnh vực “kinh tế trung tâm số một”. Đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch tích cực sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng - dịch vụ - nông nghiệp, với tỷ trọng hiện nay của 3 lĩnh vực lần lượt là: 52,06%; 40,99% và 6,95%.

Khu vực doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng

Cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ, tích cực về cơ cấu kinh tế, số lượng các đơn vị sản xuất - kinh doanh trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng tăng nhanh qua các năm. Đặc biệt, từ những năm 1990, số doanh nghiệp ngoài quốc doanh của huyện tăng vượt bậc, đóng góp chủ yếu trong tổng giá trị sản xuất toàn huyện, nhất là ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Công nhân sản xuất tại Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn).
Công nhân sản xuất tại Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn).

Theo thống kê, từ năm 1977 - 1988, cả huyện mới chỉ có 8 doanh nghiệp công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 14 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Đến năm 2006, có 327 doanh nghiệp (trong đó có 34 doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài).

 

Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Sơn là một trong năm Đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành các khu, cụm công nghiệp sạch, tổ hợp y tế, khu Đại học tập trung.

40 năm từ ngày thành lập huyện (1977), năm 2017, Sóc Sơn ghi nhận có tổng số 1.511 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Trong đó có 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Cục thuế Hà Nội quản lý. Đến tháng 4/2022, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại huyện Sóc Sơn tiếp tục tăng lên con số 2.741 đơn vị.

Các ngành nghề dịch vụ cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Huyện đã đầu tư xây mới 3 trung tâm chợ loại II tại: Thị trấn, phố Nỷ, Phù Lỗ và trên 20 chợ nông thôn. Đồng thời, phát triển các cơ sở dịch vụ, du lịch, tập trung nhiều ở các khu vực như: Thị trấn Trung Giã, Phù Lỗ, Phú Cường, Thanh Xuân, Cụm cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã hình thành 2 sân golf tại xã Minh Trí và Hồng Kỳ, Phù Linh. Dịch vụ vận tải phát triển mạnh với 14 tuyến xe buýt và 12 hãng taxi. Hệ thống các ngân hàng tăng nhanh, bên cạnh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), còn có sự tham gia của một loạt ngân hàng thương mại khác như: Vietinbank, BIDV, Techcombank, Vietcombank, Seabank…

Sự tham gia của khối các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, sự lớn mạnh của các đơn vị sản xuất - kinh doanh đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của huyện Sóc Sơn. Nếu như năm 1991, thu ngân sách của huyện mới đạt 4.900 triệu đồng thì đến năm 2016, con số này đã đạt 400.774 triệu đồng; và năm 2021 đạt 1.451.595 triệu đồng.

Đưa huyện Sóc Sơn trở thành vùng phát triển

Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn Phạm Quang Thanh cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu “kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động… Có những tiền đề quan trọng để xây dựng huyện Sóc Sơn đến năm 2030 trở thành vùng phát triển, đô thị vệ tinh của Thủ đô".

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Sóc Sơn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Sóc Sơn.

Cụ thể hóa mục tiêu trên, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được Huyện ủy Sóc Sơn xác định là tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Đầu tư và chủ động thu hút đầu tư theo hướng công nghiệp - nông nghiệp sạch, công nghệ cao - du lịch sinh thái.

Trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sóc Sơn khóa XII đã xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện 5 chương trình công tác giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó có nội dung về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu.

“Với truyền thống lịch sử, văn hóa đáng tự hào, phát huy thành tựu xây dựng và phát triển 45 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Trung ương và TP Hà Nội, Đảng bộ và Nhân dân huyện Sóc Sơn quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, trở thành đô thị của Thủ đô trong tương lai gần…” - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh nhấn mạnh. 

 

Một số mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của huyện Sóc Sơn

Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất bình quân từ 11 - 12%/năm. Cơ cấu kinh tế đến hết năm 2025: Dịch vụ (48%) - Công nghiệp, xây dựng (47%) - Nông, lâm, thủy sản (5%). Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 70 - 75 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách Nhà nước (không kể đấu giá quyền sử dụng đất) tăng bình quân 10 - 12%/năm.