Diễn đàn Mekong Connect 2022: Khơi thông “điểm nghẽn” cho Đồng bằng sông Cửu Long

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/11, các tỉnh, thành trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), TP Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức khai mạc Diễn đàn Mekong Connect 2022.

Mekong Connect năm 2022 có chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững” với 3 phiên thảo luận chính, bàn về các đề tài có tác động, ảnh hưởng lớn tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm: Chủ động nâng chất lượng liên kết tích hợp; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển bền vững.

Liên kết, hợp tác cùng phát triển

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, để đạt được các mục tiêu xây dựng và phát triển TP Cần Thơ mà Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị đã đề ra, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của TP, còn  phải có sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và sự hỗ trợ của những địa phương khác, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Do vậy, diễn đàn này mang ý nghĩa hết sức tích cực vừa là hoạt động thường niên nhưng cũng vừa là cơ hội để chia sẻ, thấu hiểu, gắn kết cùng xây dựng mối liên kết bền vững giúp nhau cùng phát triển. 

Ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại diễn đàn. Ảnh Hồng Thắm
Ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại diễn đàn. Ảnh Hồng Thắm

Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao diễn đàn năm nay với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”. Đây là nội dung được nhiều tỉnh, thành trong cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt được yêu cầu này sẽ tạo động lực, đưa kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn vùng bứt phá sau đại dịch Covid-19 theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới ban hành trong thời gian gần đây.

"Tôi hy vọng, thông qua diễn đàn này sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới” - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

 Vai trò trung tâm động lực thúc đẩy phát triển ĐBSCL

Tại phiên khai mạc, ông Trần Phú Lộc Thành - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ chia sẻ về tầm quan trọng của “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL”.

Mekong Connect năm 2022 có chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”.
Mekong Connect năm 2022 có chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”.

Theo ông Trần Phú Lộc Thành, nhiều năm qua, vấn đề nổi trội của ngành nông nghiệp ĐBSCL là sản xuất và thị trường chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa vùng với các thị trường trong nước và quốc tế. Dẫn đến, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, khó thu hút đầu tư và đời sống người dân mất ổn định.

Việc xây dựng trung tâm liên kết sẽ hình thành “một điểm đến đa dịch vụ”, góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: Nhà nông - nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Từ đó thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Theo đó, UBND TP Cần Thơ đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL”.

Dự kiến đến năm 2050, quy mô của trung tâm này lên tới 3.300 ha tại phường long Tuyền, quận Bình Thủy và huyện Giai Xuân, huyện Phong Điền. Cụ thể, trung tâm sẽ có 2 phân khu. Phân khu 1 dự kiến có 50 ha với chức năng là khu hành chính, quản lý và dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ công, thương mại, xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Phân khu 2 dự kiến có diện tích 200 ha, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chế biến tinh các sản phẩm nông nghiệp.

Tại diễn đàn, đại diện tỉnh An Giang giới thiệu Dự án “Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang”. Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành với tổng diện tích 200 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 9 ngàn tỷ đồng. 

Mục tiêu của dự án là tối đa hóa doanh thu thông qua việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp từ cung ứng đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Trung tâm được kỳ vọng trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL; thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL với vai trò dẫn dắt, thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng.