Điệp khúc "trồng rồi chặt" - chuyện cũ, hậu quả mới

Theo Vân Hi/báo Lao Động
Chia sẻ Zalo

Trong nhiều năm qua, điệp khúc "trồng rồi chặt" vẫn diễn ra ở ĐBSCL.

Giá nông sản tăng, chủ vườn tự phát chặt bỏ vài ha đất vườn để trồng loại cây khác. Từ đó, dẫn tới việc đất vườn chỉ mãi có cây con, nhà vườn điêu đứng khi chặt xong, giá lại tăng hoặc khi cho trái thì lại rớt giá.

Giá mãng cầu xiêm tăng, nông dân tiếc nuối vì đã chặt bỏ trước đó. Ảnh: Bích Ngọc
Giá mãng cầu xiêm tăng, nông dân tiếc nuối vì đã chặt bỏ trước đó. Ảnh: Bích Ngọc

Điệp khúc "trồng rồi lại chặt"

Canh tác 1,5 ha đất vườn trồng dâu da xanh, gần 15 năm giá bán vẫn bèo bọt. Nhận thấy giá sầu riêng cao, hút hàng, ông Phạm Văn Chiến (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) quyết định chặt bỏ trăm gốc dâu da xanh để trồng sầu riêng.

Ông Chiến cho biết: "Hơn chục năm trời trồng dâu da, đồng lời chỉ khoảng chục triệu đồng/vụ, giá bán cũng chỉ vài chục nghìn. Còn sầu riêng năm nào giá bán cũng dao động từ 55.000 - 95.000 đồng/kg, trước nay cũng chưa có tình trạng rớt giá sâu".

Theo đó, đắn đo mãi ông Chiến quyết định chặt bỏ trăm gốc dâu da xanh chục năm tuổi để trồng sầu riêng. Theo ông Chiến việc chặt rồi trồng là tự phát của gia đình ông.

Tương tự, 15 năm canh tác 0,6 ha đất vườn, tương đương với 2 lần nhà vườn Nguyễn Văn Tám (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) trồng - chặt. Được biết, xuất phát điểm ông Tám trồng ổi, sau đó chuyển sang trồng mãng cầu xiêm và hiện nay lại trồng ổi.

Theo ông Tám, ban đầu gia đình trồng giống ổi loại thường, thương lái thu mua tại vườn với giá dao động chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Canh tác gần 6 năm, gia đình 4 người không đủ ăn, nhận thấy giá mãng cầu xiêm thời điểm đó khá cao, đặc biệt là bán cho các xưởng sản xuất trà mãng cầu, anh quyết định chặt trăm gốc ổi sang trồng mãng cầu xiêm.

Mãng cầu xiêm cho trái được 3 vụ, kinh tế thấp, sâu bệnh nhiều, tình cờ biết đến giống ổi mới, chủ vườn này quyết định chặt bỏ trăm gốc mãng cầu xiêm và trồng ổi lại một lần nữa.

"Trồng mấy năm trời, chặt bỏ thì cũng tiếc nuối, nhưng biết làm sao, thu nhập của gia đình tôi cũng từ vườn này mà ra, nên giá nông sản nào cao thì mình ưu tiên trồng cái đó" - ông Tám chia sẻ.

Đâm lao thì phải theo lao

Chạy theo đuôi thị trường kéo theo đất vườn của một số hộ gia đình mãi chỉ có cây con, bên cạnh đó, còn đối mặt với nguy cơ vừa chặt xong thì giá tăng, hoặc đến khi cho trái lại rớt giá.

Vừa chặt mãng cầu xiêm chuyển sang trồng ổi được khoảng 6 tháng, giá mãng cầu xiêm tăng vọt, chủ vườn Nguyễn Văn Tám ngậm ngùi tiếc nuối.

Ông Tám cho biết: "Trước đó, giá mãng cầu xiêm được thương lái thu mua chỉ dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Tôi chặt xong chưa lâu thì đã lên 65.000 - 80.000 đồng/kg, đỉnh điểm lên đến 100.000 đồng/kg. Một số hộ gia đình lân cận cũng nhờ đó mà khá lên, nếu biết trước, tôi đã không chặt".

Theo đó, nếu gia đình ông còn trồng mãng cầu xiêm, với mức giá tăng cao, ông thu lợi ít nhất cũng trăm triệu đồng - "Nếu giá trước giờ cao như thế thì tôi đâu phải chặt bỏ, nhưng chặt rồi thì phải chịu" - ông Tám chia sẻ.

Cũng theo người chủ vườn này, đối với các loài cây ăn trái, ít nhất 2-3 năm mới cho thu hoạch. Trong khi thị trường các loại trái cây thì biến động từng ngày, do đó, nhà vườn chỉ có thể đoán định mặt hàng trái cây nào giá cao, bình ổn thì trồng.

Những gốc sầu riêng được trồng sau khi những gốc cây dâu da chục năm tuổi bị đốn hạ. Ảnh: Bích Ngọc
Những gốc sầu riêng được trồng sau khi những gốc cây dâu da chục năm tuổi bị đốn hạ. Ảnh: Bích Ngọc

Giá nông sản lên xuống thất thường, ông Phạm Văn Chiến không khỏi lo lắng: "Lúc mới trồng, giá sầu riêng đã tăng vọt lên 100.000 đồng/kg, lúc hút hàng lên tới 200.000 đồng/kg, nhưng gần đây lại rớt xuống dưới 100.000 đồng/kg".

Theo ông Chiến, những cây sầu riêng con vừa trồng mất khoảng 4-5 năm mới cho trái. Hiện nay, sầu riêng lại có nguy cơ rớt giá, một số hộ gia đình đã rục rịch chặt bỏ sầu riêng để trồng các loại nông sản khác, ông Chiến không khỏi điêu đứng: "Thấy một số hộ khác chặt sầu riêng, tôi lo lắm, nhưng bây giờ vườn chỉ toàn cây con, nếu chặt cũng không biết trồng gì, đâm lao thì phải theo lao, giờ chỉ biết nhờ vào vận may thôi".