Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội: Xây thêm nhiều nhà máy nước mặt hiện đại

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốc độ đô thị hóa nhanh, bài toán bảo đảm cung cấp nước sạch cho dân cư đô thị và nông thôn của Hà Nội ngày càng nan giải. Nhất là khi nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức trong nhiều năm dẫn đến tình trạng suy thoái các giếng khoan khai thác, tình trạng sụt lún diễn ra liên tục.

Hệ lụy từ thiếu nguồn nước sạch
Dư luận chắc hẳn chưa quên vụ việc ngày 6/4 vừa qua, một gia đình ở thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, nằm sát Tỉnh lộ 419 khi đang khoan giếng nước ngầm phục vụ sinh hoạt thì bất ngờ bị sụt lún. Sau đó đã xuất hiện một miệng hố sâu rộng đến gần 100m2, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân xung quanh và tạo nhiều vết nứt chạy dọc theo đường Tỉnh lộ 419.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng sụt lún xuất phát từ quá trình người dân khoan giếng khai thác nước dưới đất tại Hà Nội. Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra hơn 10 vụ sụt lún nền đất do khai thác nước ngầm ở nhiều xã thuộc các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức...
 Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Phạm Duy
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân tự ý khoan giếng ngầm tràn lan để sử dụng là do chưa được cấp nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung của TP. Công tác đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch cho Thủ đô, đặc biệt là khu vực nông thôn hiện đang bị chậm và khó khăn do thiếu nguồn nước.
Điển hình như dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 8 xã của huyện Đan Phượng do Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội thực hiện đã thi công giai đoạn 1 tuyến ống truyền dẫn nối từ huyện Hoài Đức đến thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) và sẵn sàng thi công giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay vẫn là chưa có nguồn nước sạch, do Nhà máy nước sạch sông Hồng chưa hoàn thành.

Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết, hiện tổng công suất các nguồn nước sạch tập trung toàn TP đạt 1.520.000m3/ngày đêm, thiếu 210.000m3/ngày đêm so với quyết định phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 21/3/2013). Tổng công suất các nguồn nước sạch chỉ đủ phục vụ người dân khu vực nội thành và lân cận, chưa thể vươn tới khu vực nông thôn, nhất là địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ... Tại khu vực này, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch rất thấp, khoảng 10 - 35% (tỷ lệ người dân khu vực nông thôn của toàn TP được sử dụng nước sạch hiện là 78%) và nguồn cấp chủ yếu từ các công trình nước sạch tập trung nông thôn.

Ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt

Trước thực trạng trên, Quyết định điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 554/QĐ-TTg, ngày 6/4/2021) sẽ là cơ sở quan trọng để Hà Nội xây dựng các chương trình và triển khai các dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cấp nước, nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đồng thời, việc điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội cũng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu để cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn với cùng một tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch theo quy chuẩn hiện hành.

Đáng chú ý, trong điều chỉnh quy hoạch lần này đã định hướng ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm. Các nhà máy nước ngầm giảm dần quy mô công suất để bảo đảm khai thác an toàn nguồn nước. Các nhà máy nước ngầm bị suy giảm về chất lượng, trữ lượng sẽ chuyển thành nguồn dự trữ, trạm điều tiết, trạm bơm tăng áp cục bộ cho Thủ đô. Về nước mặt, ngoài 3 nhà máy sông Đà, sông Đuống, sông Hồng, điều chỉnh lần này sẽ bổ sung thêm các nhà máy Bắc Thăng Long, Ba Vì, Xuân Mai, Hà Nam và Nhà máy nước mặt nội bộ khu vực (Phúc Thọ, Minh Quang, Minh Châu, Tiến Thịnh...).

Theo đó, đến năm 2030, nhà máy nước mặt sông Đà đạt 900.000m3/ngày (phần cấp cho Hà Nội khoảng 800.000m3/ngày). Phạm vi cấp nước cho Thủ đô Hà Nội bao gồm khu vực dọc Đại lộ Thăng Long thuộc các quận, huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Nam Từ Liêm (từ Vành đai 3 đến Vành đai 4); cấp nguồn bổ sung cho khu vực trung tâm Hà Nội, Hà Đông, thị xã Sơn Tây, một phần huyện Chương Mỹ và cấp bổ sung cho tỉnh Hòa Bình. Nhà máy nước mặt sông Đuống đạt 600.000m3/ngày (phần cấp cho Hà Nội khoảng 475.000m3/ngày).
Phạm vi cấp nước cho Thủ đô Hà Nội gồm khu vực phía Đông (quận Long Biên, huyện Gia Lâm); một phần phía Bắc (các huyện Đông Anh, Sóc Sơn); cấp nước bổ sung một phần khu trung tâm; khu vực phía Nam (các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên), cấp bổ sung cho các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Nhà máy nước mặt sông Hồng đạt 300.000m3/ngày. Phạm vi cấp nước là khu vực phía Tây (huyện Đan Phượng, huyện Phúc Thọ); kết nối bổ sung cấp nước cho khu vực phía Bắc (huyện Mê Linh, huyện Đông Anh); bổ sung nguồn cho khu vực trung tâm gồm quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy…

Các nhà máy nước xây dựng mới được lựa chọn công nghệ và thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm môi trường. Đối với các nhà máy nước hiện có sẽ tiếp tục rà soát, cải tạo, nâng cấp công nghệ xử lý để bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn hiện hành. Công nghệ xử lý nước được áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 và quản lý nước thông minh để không ngừng nâng cao chất lượng nước sau xử lý, đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao.

Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam Trần Quang Hưng cho rằng, quy hoạch đưa ra định hướng sử dụng nguồn nước mặt là cần thiết và hợp lý. Với ưu điểm có lưu lượng lớn, nguồn nước mặt để sử dụng sản xuất nước sạch có thể đáp ứng cho nhu cầu hiện tại và cả phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, các nhà máy nước mặt chủ yếu sử dụng nước từ hai con sông Hồng, sông Đà có thượng nguồn bên ngoài lãnh thổ và qua nhiều tỉnh mới về đến Hà Nội. Nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc có cơ hội xâm nhập vào hệ thống nước mặt là rất lớn.
Vì vậy trong quá trình khai thác cần phải đặc biệt lưu ý đến chiến lược bảo vệ các dòng sông, biện pháp phát hiện nhanh, cảnh báo sớm các nguy cơ gây ô nhiễm để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, Hà Nội cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương lân cận để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô đề ra chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 130 - 170 lít/người/ngày; tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 125 - 130 lít/người/ngày; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 110 - 115 lít/người/ngày. Giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 đạt dưới 15%; phấn đấu đến năm 2050 đạt dưới 10%.


"Bên cạnh đẩy mạnh việc khai thác nguồn nước mặt thì việc chú trọng bảo vệ nguồn nước ngầm vẫn cần được Hà Nội quan tâm. Vì đây là một tài sản, nguồn dự trữ chiến lược phải giữ gìn khi nguồn nước mặt vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu." - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam Trần Quang Hưng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần