Điều chuyển Thanh tra xây dựng: Quy trách nhiệm về một mối

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để xảy ra vi phạm nổi cộm trong xây dựng nhưng không xử lý kịp thời, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.

Đó là thông điệp mạnh mẽ đang được Hà Nội thực hiện nghiêm. Cũng trên tinh thần “siết” trách nhiệm lãnh đạo cơ sở, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã chấp thuận thí điểm thành lập “Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị” thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã tại Hà Nội.
Tỷ lệ công trình vi phạm đã giảm

Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình thí điểm đổi tên Đội thanh tra xây dựng (TTXD) thành Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị. Sau khi UBND TP ban hành Quyết định số 3973/QĐ-UBND ngày 20/7/2016, Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã đã đồng nhất và hoàn thành công tác bàn giao nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành trực tiếp các đội TTXD trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng tại cơ sở kể từ ngày 1/9/2016.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội bày tỏ quan điểm nhất trí cao việc điều chuyển TTXD về quận, huyện. Khi lực lượng TTXD địa bàn chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của chính quyền địa phương sẽ thống nhất công tác chỉ đạo xử lý trật tự xây dựng và đô thị thuộc địa bàn của mình. Từ đây, tạo cơ chế điều hành tập trung, chủ động trong tổ chức hoạt động và thực thi công vụ. Trên cơ sở này, Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo công tác nghiệp vụ cho địa bàn.

Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng cưỡng chế một công trình xây dựng sai phép

trên địa bàn. Ảnh:  Hải Linh

Để viện dẫn hiệu quả tích cực của công tác điều chuyển trên, ông Nguyễn Việt Dũng cho hay, 6 tháng đầu năm 2017, các Đội TTXD quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 9.764 công trình, phát hiện 1.227 công trình có vi phạm. Trong khi, so với cùng kỳ năm ngoái số liệu này lên tới 10.012 công trình đã kiểm tra và 1.592 công trình vi phạm. Về cơ bản, tỷ lệ công trình vi phạm, công trình còn tồn đọng cũng giảm đáng kể so với giai đoạn 2016 (tương ứng 3,34% và 6,86%). Lực lượng TTXD đã bám sát cơ sở, tỷ lệ các quyết định xử phạt hành chính tăng 12,32%.

Về câu hỏi chức trách, quyền hạn của những TTXD nay thành cán bộ, công chức có gây ra những khiếm khuyết, hạn chế gì không? Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, không có quá nhiều vướng mắc. Theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, lực lượng này vẫn được lập biên bản xử phạt hành chính các vi phạm. Sau đó, chuyển đến UBND các cấp để xử lý theo quy định pháp luật và Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 14/2/2014 của UBND TP Hà Nội.

Tăng quyền lực cho chính quyền

Giới chuyên môn về quy hoạch – xây dựng đều nhấn mạnh việc thống nhất UBND quận, huyện làm đầu mối quản lý lực lượng TTXD là cần thiết. Động thái này thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 Khóa XII về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực trên nguyên tắc: đúng người - đúng việc. Một việc cần giao cho một tổ chức, một người chịu trách nhiệm chính và phù hợp với thông lệ tốt quốc tế.

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội phân tích: “Đối với một đô thị vừa có tính chất bảo tồn, phát triển lại gắn với tái thiết như Hà Nội, ngoài việc quản lý chặt chẽ thông qua công cụ cấp phép xây dựng cũng cần giám sát trật tự xây dựng. Đây là công việc không những liên quan đến diện mạo đô thị mà cả mối quan hệ cộng đồng dân cư”.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, khoảng thời gian hơn 3 năm (2013 - 2016), lực lượng TTXD Hà Nội đã 3 lần thay đổi mô hình hoạt động. Với thực tế phân công, phân cấp về cấp phép xây dựng như hiện nay, GPXD do quận, huyện cấp chiếm số lượng lớn. Do vậy, đây chính là đơn vị “sát sườn” trong giám sát thực trạng xây dựng trên địa bàn. Thực tế, nhiều trường hợp xây dựng sai phép, không phép, vượt tầng, siêu mỏng, siêu méo… qua kiểm điểm đều có trách nhiệm của chính quyền cấp quận,huyện. Hướng điều chuyển đưa các đội quản lý trật tự đô thị về trực thuộc quận, huyện vì thế là giải pháp hợp lý.

Lực lượng TTXD do Đảng ủy, chính quyền trực tiếp quản lý sẽ dễ chỉ đạo hơn. Có thể so sánh chưa thật sự chính xác nhưng khi TTXD còn thuộc Sở Xây dựng, Chủ tịch quận, phường rất khó chỉ đạo lực lượng này xử lý công trình sai phạm vào “nửa đêm gà gáy”. Tuy nhiên, một khi vấn đề thi đua, trả lương cho đội ngũ TTXD do chính UBND quận, huyện thực hiện sẽ tăng quyền lực quản lý hơn,

Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng