[Định hình phương thức quản trị công mới từ chính quyền đô thị] Bài 3: Bước thử năng lực cán bộ

Nhóm PV TSCT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một điều rất đáng nói đến, đó là thời điểm Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) cũng là lúc nhiều địa bàn đang phải căng mình chống dịch Covid-19. Có thể coi đây như bước thử năng lực cán bộ, để dần xác lập, tạo ra sự thay đổi quản trị công lớn cho các nhiệm vụ khác.

Bài 2: Hiệu quả từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng
Phòng, chống dịch Covid -19 là một nhiệm vụ ''đột xuất'' đầu tiên với các phường khi bắt đầu thí điểm chính quyền đô thị. Trong ảnh: Lãnh đạo phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn
Nhiệm vụ đột xuất đầu tiên
5 tháng TP Hà Nội triển khai thí điểm mô hình CQĐT cũng là 5 tháng TP tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 nên có những việc đặt ra chưa hoàn thành nhưng thực tế vẫn cho thấy, mô hình này đã giúp thay đổi phương thức quản lý nhanh hơn, hiệu quả hơn, chất lượng hơn, nghiêm minh hơn, đáp ứng xu thế phát triển xã hội văn minh hiện đại, vai trò quản lý Nhà nước mạnh mẽ hơn.

Với những quy định mới trong mô hình CQĐT, Chủ tịch UBND phường có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của phường do mình quản lý. Theo lãnh đạo nhiều quận nhận định, việc quản lý tập trung thống nhất của UBND TP, quận, thị xã theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn nâng cao tính tự chủ. Đồng thời phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các địa phương trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các đô thị và cả trong phòng, chống dịch.

Như Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) Nguyễn Hoàng Điệp đã chia sẻ, có lẽ một trong những nhiệm vụ đột xuất đầu tiên mà bộ máy CQĐT tại phường phải đối mặt đó chính là tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP liên tiếp có những diễn biến phức tạp. Từ ngày 24/7 - 21/9, TP đã tổ chức giãn cách xã hội 4 lần, đồng thời đẩy nhanh chiến dịch xét nghiệm diện rộng và thần tốc tiêm phủ vaccine để sớm đưa Hà Nội bước sang giai đoạn “bình thường mới”. Trước tình hình trên, toàn bộ hệ thống chính trị của phường được kích hoạt chế độ sẵn sàng đối phó với dịch bệnh và bộ máy chính quyền tại phường đã nhanh chóng nhập cuộc, giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh trên địa bàn.

Tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của phường khi mô hình tổ chức mới được vận hành. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Dân Huy cho biết, bám sát các quy định, hướng dẫn của TP và quận, 20 cán bộ, công chức của phường và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đều được huy động tối đa cho các hoạt động phòng, chống dịch. Ngay khi được trở về trạng thái bình thường mới, phường thực hiện các biện pháp với phương châm vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện để người dân, DN thúc dẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống.

Theo nhận định của Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, UBND phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của phường theo quy chế làm việc, đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ và tuân thủ quy định của pháp luật. Do vậy, UBND các phường chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của phường đều có đầy đủ thành phần cán bộ, công chức, cán bộ cơ sở đầu mối, cầu nối và thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo. Việc thành lập Sở chỉ huy các cấp cũng giúp việc thực thi nhiệm vụ phòng, chống Covid của quận hoạt động đồng bộ, kịp thời, hiệu quả cao.

Có thể nói rằng, trong nhiệm vụ đột xuất đầu tiên này, cán bộ của nhiều phường đã “3 cùng” với Nhân dân trên địa bàn để chống dịch. Cán bộ cơ sở thực sự là cánh tay nối dài với chính quyền và cũng trực tiếp tham gia vào lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Đây cũng chính là một bước rèn luyện đặc biệt cho các nhiệm vụ khác với sự thông suốt và nhanh hơn trước rất nhiều..

Rèn thêm kỹ năng ra quyết định

Không chỉ trong phòng, chống dịch, ở mô hình mới, trách nhiệm của Chủ tịch phường trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, trong đó, tinh thần chủ động và sáng tạo, kỹ năng ra quyết định trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao rất quan trọng. Như nhiều ý kiến nhận định, những thay đổi về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và đội ngũ công chức UBND phường đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu trong quản lý, điều hành, thực thi nhiệm vụ phục vụ người dân và DN. Công tác phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đoàn thể xã hội của phường trong thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương luôn chặt chẽ, đồng bộ, có sự thống nhất cao trên cơ sở tôn trọng và phát huy sự chủ động, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự (quận Đống Đa) Nguyễn Ngọc Phương, qua thực tiễn 5 tháng triển khai, hiệu quả mang lại rất rõ nét. Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục có bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức của phường để tinh thông nghiệp vụ, chuyên nghiệp hơn. Tăng cường công tác tuyên truyền đối với người dân, DN về ứng dụng công nghệ thông tin. Bởi đây chính là bước đột phá, then chốt để áp dụng được các quy trình giải quyết công vụ mức độ 3, 4. Từ đó, giảm thiểu được thời gian của người dân, DN, cơ quan Nhà nước và góp phần việc quản lý chặt chẽ hơn. Bản thân phường cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu sức lao động, thời gian để nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Cũng đề cập đến công tác cán bộ, Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) Lê Thành Vinh cho rằng, cán bộ lãnh đạo phường hầu hết trưởng thành từ cán bộ chuyên môn, đoàn thể nhưng thực tế ít người được đào tạo nghề chính là “nghề lãnh đạo”. Đây là vấn đề quan trọng mà TP cần nghiên cứu, muốn làm một chủ tịch phường cần có tư chất gì, kỹ năng điều hành, lên kế hoạch hay xử lý tình huống thực tế phát sinh từ địa bàn ra sao, nhiều người chưa được đào tạo bài bản. “Hiện hầu hết lãnh đạo tự nhìn nhau, học nhau giữa phường này với phường kia về phương thức làm, từ kinh nghiệm thực tiễn là chính, chưa có ai được dạy làm Chủ tịch phường thế nào. Nhất là CQĐT đòi hỏi trách nhiệm cá nhân rất lớn, vì công việc ở cơ sở rất lớn, trong khi bản thân cán bộ đó chỉ là một cán bộ chuyên môn tích cực thì chưa thể đáp ứng tốt được” - ông Lê Thành Vinh nêu quan điểm.

Từ thực tiễn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đối với cấp cơ sở, hiện vẫn còn vướng mắc và cần được hướng dẫn cụ thể ở một số vấn đề như: Công chức phường theo quyết định là công chức do quận quản lý nhưng việc liên thông giữa công chức phường và quận chưa có quy định. Cần phân cấp, tăng thẩm quyền phù hợp tổ chức CQĐT và khả năng thực tiễn của địa phương, nhằm tạo ra cơ chế để các địa phương tự chủ hơn, chủ động giải quyết những ý kiến thiết yếu của người dân…

Cùng với sự đồng thuận, tin tưởng của người dân vào những đổi mới trong hoạt động, bộ máy chính quyền địa phương đã dần đi vào hoạt động ổn định, thông suốt. Việc sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ, công chức ở phường hiện đang phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn. Ở mô hình mới, trách nhiệm của Chủ tịch phường trở nên rõ ràng hơn. Do đó bản thân lãnh đạo phường cũng phải nêu cao tinh thần chủ động và sáng tạo, kỹ năng ra quyết định trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đánh giá được năng lực quản lý điều hành của thủ trưởng cơ quan.

Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) Lưu Đình Lượng
Để giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh làm sao nhanh, hiệu quả hơn, cần nghiên cứu có một loạt cơ chế kèm theo, mới tránh được tình trạng cứ có việc gì, cấp dưới lại “kính chuyển”, “kính đề nghị”, “xin ý kiến” - giải pháp hoãn binh. Hoặc nếu cơ chế phân cấp vẫn không rõ ràng, cấp trên lại đẩy xuống cấp dưới giải quyết “cho lành”, khiến công việc lằng nhằng không trôi được. Bên cạnh đó, về quy định “tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu”, khi thực hiện CQĐT phải được siết chặt hơn, tránh lạm quyền.

Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) Lê Thành Vinh
(Còn nữa)