Đổ ải thuận lợi do trời mưa

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/1, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra công tác lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân 2016 - 2017 tại tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Hà Nội.

Tại tỉnh Thái Bình, tận dụng nguồn nước xả từ các hồ thủy điện, việc thau chua, rửa mặn đồng ruộng đang được địa phương gấp rút triển khai. Tính đến sáng nay (12/1), mực nước trong các cống, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm được khoảng 50cm, góp phần đẩy lùi xâm nhập mặn.
 Lấy nước qua trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh đang tập trung đổ ải cho khoảng 80.000ha diện tích gieo cấy lúa và hơn 15.000ha rau màu vụ Xuân. Trong đợt 1 xả nước, tỉnh chủ yếu lấy nước để thau chua, rửa mặn cho hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy với diện tích khoảng 25.000ha, phấn đấu hết đợt 1 sẽ đổ ải khoảng 20% diện tích.

Tại tỉnh Hà Nam, sau 2 ngày các hồ thủy điện xả nước, ngành thủy lợi đã tổ chức vận hành ngay các cửa lấy nước, trạm bơm để trữ nước vào hệ thống kênh trục, ao, đầm, các vùng trũng và đưa nước lên ruộng phục vụ làm đất và gieo cấy hơn 31.000ha lúa. Trong đó ưu tiên cấp nước trước cho các vùng xa, vùng khó khăn về nguồn nước. Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam đã vận hành hơn 200 tổ máy bơm từ ngày 2/1 và tập trung cao nhất vào thời điểm các hồ thủy điện bắt đầu xả nước (ngày 10/1). Theo thống kê, cho đến nay, diện tích đổ ải của Hà Nam đã đạt 10%.

Đối với TP Hà Nội, lợi dụng mực nước sông Hồng đang ở mức cao, các trạm bơm ven sông Hồng của TP đang liên tục vận hành đưa nước lên hệ thống để nông dân đổ ải. Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua kiểm tra, các địa phương đều chủ động trong việc lấy nước đổ ải, trong đó một số khu vực đã lấy nước vượt kế hoạch đề ra. Theo ông Tỉnh, mưa trong những ngày qua đã bổ sung lượng nước đáng kể tạo nguồn nước cho việc đổ ải thuận lợi. Do đó, Tổng cục Thủy lợi cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ xem xét rút ngắn thời gian xả nước trong đợt 1 để tiết kiệm nguồn nước cho các đợt xả tiếp theo.

Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị các địa phương tiếp tục lấy nước tối đa lên hệ thống kênh trục và đưa nước lên ruộng. Đồng thời trữ nước vào các vùng trũng như ao, hồ để giữ nước sử dụng cho đợt 2 và đợt 3.