Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng: Nhiều đề xuất mang tính đột phá

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được thông qua tại kỳ họp bất thường HĐND diễn ra sáng 22/5.

Chiến lược phát triển mới
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) thực hiện. Trong đó, hợp phần tư vấn thiết kế chiến lược kinh tế - xã hội là trụ cột xây dựng quy hoạch chung.
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 14 (bất thường) HĐND khóa IX diễn ra sáng 22/5, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: Tầm nhìn đồ án hướng TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững.
Mục tiêu Đồ án xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao; TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
 Các đại biểu biểu quyết thông qua Đồ án. Ảnh: Q.HẢI
Đồ án định vị chiến lược kinh tế Đà Nẵng đến năm 2030 trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; một cổng vào của hành lang kinh tế Đông - Tây; mạng lưới TP thông minh ASEAN; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm vận chuyển miền Trung; trung tâm dịch vụ, hành chính và văn hóa của miền Trung; trung tâm dịch vụ du lịch biển ASEAN và trung tâm kinh tế biển; ngôi nhà mơ ước của tất cả công dân Việt Nam.
Về tính chất đô thị, Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia…
Trên cơ sở định vị, tầm nhìn và mục tiêu phát triển, dự báo kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030 cần đạt được tốc độ tăng bình quân GRDP (giá so sánh năm 2010) 10-10,5%/năm (một vài năm tăng trưởng đột phá trên 12%/năm). Tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP khoảng 30 - 32%. Tỷ lệ vốn đầu tư ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài (FDI)/tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 80%. 
Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người. Năm 2030, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 8.500 USD. Tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn của TP Đà Nẵng so với cả nước đạt khoảng 2 - 3%.
 Một góc TP Đà Nẵng. Ảnh: Q.HẢI
Đà Nẵng được định hướng xây dựng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung. Trong đó, lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Đà Nẵng sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên thông, kết nối thuận lợi giữa hệ thống cao tốc, quốc lộ với đường vành đai, trục giao thông chính của TP đến cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Khu vực công nghiệp - xây dựng chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, không để xung đột các mục tiêu giữa phát triển công nghiệp và khu vực dịch vụ.
Dự báo nhu cầu sử dụng đất đai đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 32.227 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 15.183 ha.
Nếu được Chính phủ thông qua thì cùng với Nghị quyết số 43 (Nghị quyết 43 NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Đồ án là căn cứ ổn định, là chiến lược phát triển mới của TP Đà Nẵng.
Nhiều đề xuất mang tính đột phá
Báo cáo thẩm tra Đồ án, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Thành Tiến đánh giá: Đồ án có nhiều đề xuất mang tính đột phá như: Mô hình đô thị nén, đô thị đại học, đô thị sườn đồi, đô thị cảng biển, các trung tâm phân tán; hình thành các khu chức năng mới như: Khu đổi mới sáng tạo; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm dịch vụ logistics; các khu vực sử dụng đất hỗn hợp…
Cũng theo ông Tiến, Đồ án lần này cơ bản thừa kế các định hướng quy hoạch chung được duyệt năm 2013; cơ bản kế thừa đối với các khu dân cư hiện trạng nhưng có sự thu hẹp diện tích để phát triển khu đô thị và các khu chức năng.
Về dự báo phát triển kinh tế, ông Nguyễn Thành Tiến cho rằng: Đề xuất tốc độ tăng bình quân GRDP khoảng 10,35%/năm; năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.500 USD; tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2% - 3% là khả thi và phù hợp với tình hình phát triển của TP.
Đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết cho ý kiến: Cần nghiên cứu vấn đề hệ thống không gian ngầm để phát triển giao thông ngầm, không gian dịch vụ ngầm… Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho hay: Quy mô TP chưa đạt 2,5 triệu dân thì giao thông ngầm chưa hiệu quả.
Đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết cũng nêu lên sự cấp thiết trong tái thiết khu vực đô thị trung tâm. “Hiện nhiều đô thị trung tâm đang xuống cấp. Vì thế, cấp thiết tái thiết một số khu vực trong giai đoạn trước mắt”, ông Triết nói.
 Theo đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết, hiện nhiều đô thị trung tâm Đà Nẵng đang xuống cấp, vì thế cấp thiết tái thiết một số khu vực trong giai đoạn trước mắt. Ảnh: Q.HẢI
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đức Trị bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn đầu tư khá lớn cho Đồ án, nhất là khi kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Vấn đề này, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho hay: Nguồn lực đầu tư công rất hạn chế, Đà Nẵng phải thu hút nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, đại biểu Trị đặt câu hỏi liệu Đồ án có tác động đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn “Hiện có 10 tập đoàn, doanh nghiệp có ý kiến liệu sau điều chỉnh quy hoạch có ảnh hưởng hay không? TP cần làm rõ nội dung này”, ông Trị nêu. 
Sau khi thảo luận, 44/44 đại biểu tham dự kỳ họp đã biểu quyết thông qua Đồ án. TP Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện Đồ án để trình các bộ ngành và Chính phủ thông qua.

Để thực hiện Đồ án quy hoạch chung này, Đà Nẵng cần gần 300.000 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 1 (2020-2025) cần hơn 232.140 tỷ đồng để hoàn thiện các dự án đã được phê duyệt và chưa hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, giai đoạn 1 tập trung phát triển các dự án động lực về giao thông, đô thị và kinh tế; tái thiết đô thị khu vực trung tâm, phát triển khu bảo tàng sống, các khu đô thị tại khu vực sườn đồi. Trong đó có thể kể đến những dự án như: Bến cảng Liên Chiểu; nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò; Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão Âu thuyền Thọ Quang…

Giai đoạn 2 (2025 - 2030) cần 63.747 tỷ đồng để tiếp tục tái thiết đô thị tại các khu vực trung tâm; hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng quan trọng như cảng Liên Chiểu, cảng Du lịch Tiên Sa, ga đường sắt tốc độ cao… Giai đoạn này ưu tiên các dự án trọng điểm như: Công trình vượt sông Hàn nối đường Đống Đa – Vân Đồn; di dời Ga đường sắt và tái phát triển đô thị…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần