Đồ án Quy hoạch khu vực ga Hà Nội: Ga cũ là trái tim của cả phân khu

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận nổi lên nhiều ý kiến tranh luận về Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết phải làm rõ việc lập quy hoạch này không có nghĩa là sẽ phá bỏ Ga Hà Nội hiện có và đẩy người dân đang sinh sống tại đây ra ngoại thành.
Không phá bỏ ga cũ

Chủ nhiệm Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, ông Ryosvke Kimura chia sẻ: “Ga Hà Nội hiện nay nằm ở chính diện ngã ba Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo, là vị trí đã khắc sâu vào ký ức của người dân Thủ đô. Trong Đồ án quy hoạch và tất cả các văn bản đề xuất liên quan đều khẳng định không phá bỏ, mà hơn nữa còn trùng tu, phục dựng lại để biến nơi này thành một điểm du lịch hấp dẫn của TP”.
 
Đại diện đơn vị lập quy hoạch còn cho hay, ngay trong Đồ án, đường Trần Hưng Đạo được tính toán sẽ kéo dài về phía Tây để kết nối với đường Quốc Tử Giám. Nhưng để ưu tiên bảo tồn công trình Ga Hà Nội, đường Trần Hưng Đạo sẽ không được kéo dài, tránh tối đa mọi ảnh hưởng đến công trình ga hiện có. Tuy nhiên, trong tương lai, Ga Hà Nội sẽ còn phải đáp ứng kết nối với các tuyến đường sắt đô thị và mạng lưới vận tải công cộng được mở rộng thêm nên Ga Hà Nội hiện nay sẽ cần phải mở rộng hơn để đảm nhận vai trò là một đầu mối giao thông quan trọng của TP. Vậy cần thiết phải xây dựng một nhà ga mới hiện đại, có quy mô tương ứng bên cạnh nhà ga cũ. Với Ga Hà Nội hiện nay, sau khi phục dựng, sẽ được bảo tồn và sử dụng như một bảo tàng nhằm kế thừa lịch sử đô thị và ký ức của người dân Thủ đô, một “bảo tàng của quá khứ kết nối hiện tại và tương lai”. Chức năng mới này sẽ giúp phát huy Ga Hà Nội hiện hữu thành một tài nguyên du lịch, phục vụ người dân TP và du khách trong ngoài nước.

Tái định cư tại chỗ

Một trong những vấn đề mà người dân đang sinh sống quanh khu vực Ga Hà Nội quan tâm nhất hiện nay là cuộc sống có bị ảnh hưởng bởi đồ án quy hoạch nói trên hay không. Bà Đinh Thị Minh Tiến, sống tại số 4, ngõ 88 Trần Quý Cáp đặt câu hỏi: “Không biết khi mở rộng ga, làm khu đô thị chúng tôi có còn được sống ở đây nữa không?”.

Theo Đồ án quy hoạch, phân khu Ga Hà Nội và khu vực phụ cận sẽ đảm bảo các chỉ tiêu: Đất ở đạt 20,46m2/người; trường học các cấp đạt từ 6 - 8m2/học sinh; cơ quan, công sở, trạm y tế đạt 0,63m2/người (quy chuẩn là 0,4m2/người); cây xanh đạt 2,01m2/người (quy chuẩn hiện nay là 0,5m2/người).
Nhiều người dân khác sinh sống quanh khu vực Ga Hà Nội cũng cho hay, đối với họ, đồ án quy hoạch cả một phân khu là quá lớn và rất khó để có thể hiểu hết trong một thời gian ngắn. Điều họ quan tâm nhất chính là nếu thực hiện quy hoạch, họ có phải di dời đi nơi khác hay không, cuộc sống của họ có tốt hơn hay không? Và lời giải nằm trong chính đồ án mà Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Phía đơn vị lập quy hoạch cho hay, theo kết quả thống kê, khảo sát thì toàn bộ khu vực nằm trong quy hoạch rộng 981.693,5m2, dân số hiện tại trên 37.000 người. Trong khi đó, Quy hoạch phân khu đô thị Ga Hà Nội và phụ cận mới được lập sẽ đảm bảo đủ diện tích và các điều kiện hạ tầng phục vụ cuộc sống cho 44.000 người (tăng thêm 18%). Như vậy, nếu quy hoạch thành hiện thực, sẽ không có một người dân nào tại đây phải di dời. Nói cách khác, 100% người dân trong khu vực sẽ được tái định cư tại chỗ. Bà Đinh Thị Minh Tiến chia sẻ: “Nếu có thể thực hiện được như vậy, vừa làm đẹp cho TP, vừa không ảnh hưởng đến đời sống người dân chúng tôi thì quá tốt. Chúng tôi ủng hộ”.
 Phối cảnh ga Hà Nội mới.
Trên thực tế, không chỉ Hà Nội mà rất nhiều TP lớn khác trên thế giới đã thực hiện những quy hoạch đô thị với mô hình tương tự như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc)… Một điều rất quan trọng là sau khi được quy hoạch, tái thiết lại, giá trị đất tại các khu vực này đã tăng lên gấp hàng chục lần.

Cơ hội cho cả Thành phố

Chủ nhiệm Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, ông Ryosvke Kimura còn cho hay, mục tiêu chính của Đồ án là biến khu vực này thành một trung tâm thương mại, kinh tế mới của Hà Nội, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Quan điểm của những người lập quy hoạch là biến Ga Hà Nội thành một đầu mối giao thông lớn, tập trung các chuyến đi và đến từ cả các khu vực trong nội bộ Hà Nội lẫn giao thương liên tỉnh.

Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga lấy ví dụ: “Các bến xe lớn hay ngay chính Ga Hà Nội hiện nay là nơi tập trung của nhiều cư dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân không chỉ tại địa phương mà còn từ các nơi khác đến. Nếu tái thiết lại mà có thể khiến nơi này trở thành hẳn một trung tâm thương mại, kinh tế sẽ còn có thêm nhiều cơ hội cho người khác nữa”. Ngay trong đồ án cũng đã tính toán rằng, sau khi tái thiết, khu vực này sẽ đáp ứng việc làm cho 36.000 lao động. Như vậy, ý nghĩa tích cực của khu trung tâm này sẽ còn là một động lực to lớn đối với sự phát triển chung của cả TP.

Nhiều chuyên gia và cả người dân cũng có ý kiến lo ngại về việc hạ tầng kỹ thuật và giao thông không đáp ứng nổi nhu cầu của toàn bộ phân khu sau tái thiết. Tuy nhiên, trong đồ án quy hoạch đã nêu rất rõ và cụ thể các chỉ tiêu sử dụng đất của phân khu. Theo đó, đất ở sẽ chỉ chiếm 16,36% (bao gồm cả nơi ở mới lẫn hiện trạng đã có); đất hỗn hợp dành cho cả thương mại, văn phòng… chỉ chiếm có 17,11%. Bên cạnh đó có đến 33,82% diện tích được dành cho giao thông và hạ tầng kỹ thuật; 13,34% dành cho cây xanh và mặt nước để tạo cảnh quan và môi trường sống trong lành, văn minh. Còn lại là diện tích đất dành cho: Trường học, cơ sở y tế, các tụ điểm tôn giáo, cơ quan hành chính….

Đơn vị lập quy hoạch cho biết, hiện tiêu chuẩn đất dành cho giao thông theo quy chuẩn Việt Nam là dưới 13% diện tích đất xây dựng đô thị; nhưng khu vực này sẽ đảm bảo 17,09% diện tích đất dành cho giao thông nên không cần phải lo lắng về tình trạng đường sá không đáp ứng được nhu cầu đi lại. Mặt khác, Chủ nhiệm Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận còn tiết lộ: “Toàn bộ các chỉ số như diện tích đất ở, trường học, nơi làm việc, cơ sở y tế, cây xanh... của phân khu đều được xây dựng đảm bảo đạt quy chuẩn hiện hành của Việt Nam”.

"Chúng ta phải rõ ràng với nhau về vấn đề này. Quan điểm xuyên suốt và được đặt lên hàng đầu của Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội là bảo tồn. Ai cũng hiểu giá trị lịch sử, văn hóa của Ga Hà Nội nên nói đến việc phá bỏ nó là khiên cưỡng, võ đoán và rất thiếu khách quan." - Đại diện Sở GTVT Hà Nội