Đổ bùn thải xuống biển: Cái lý của Bộ và mối lo của nhà khoa học

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những nỗi lo của nhiều chuyên gia sau việc Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN -MT) cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ra biển Bình Thuận không phải không có lý.

Bởi đây lại là mối lo của giới khoa học chuyên sâu, đó chính là nguy cơ mất đi vĩnh viễn hệ sinh thái biển. Vậy mà khi dư luận còn chưa lắng , Tổng Công ty Phát điện 3 cho biết thêm, thủ tục trình Bộ TN - MT đã hoàn thành, trong năm nay cũng sẽ tiến hành đổ 2,3 triệu tấn bùn thải này xuống biển Bình Thuận cách vị trí kia có... 5 km.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Theo thông tin từ báo chí mấy ngày qua thì vào cuối tháng 2/2017, Bộ TN - MT lập hội đồng thẩm định để đánh giá, cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ bùn, cát sau nạo vét xuống biển. Tuy nhiên, PGS -TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, Viện của ông không tham gia hội đồng thẩm định.

PGS -TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam, người 3 lần làm chủ nhiệm quy hoạch các khu bảo tồn biển, là một trong các chuyên gia được đọc bản đánh giá tác động môi trường của dự án vì được mời tham gia hội đồng thẩm định, nhưng cuối cùng ông cũng từ chối tham gia.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ TN - MT Nguyễn Linh Ngọc nói: "Khu vực đáy biển nhận xả thải chỉ có cát, không có các hệ sinh thái, sinh vật biển sinh sản cũng như các loại san hô hay cỏ biển. Nếu có thì Bộ không bao giờ cấp phép".

Trước ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang tỏ ra rất bức xúc. Ông bảo: Việc giải thích kiểu đó là không khoa học vì vùng biển Bình Thuận không những là vùng nước trồi độc nhất vô nhị mà còn là ngư trường gần bờ lớn nhất của Việt Nam. Điều này có nghĩa đây là vùng biển rất quan trọng và có nhiều giá trị về tự nhiên cần phải được bảo tồn.

"Vì là khu vực động lực nước trồi nên nó luôn luôn xáo trộn. Động lực mạnh nhất là từ tháng 6 đến tháng 9. Họ chọn đúng vào thời điểm có động lực mạnh nhất để đổ thải xuống thì hoàn toàn không đúng. Tôi khẳng định về mặt khoa học việc cấp phép không có cơ sở nào cả. Trước đây người dân khai thác thủy sản tầng đáy bằng cào công suất lớn nhưng hoạt động này bị cấm vì gây xáo trộn hệ sinh thái tầng đáy. Bây giờ vì cấp phép xả thải họ lại nói tầng đáy chỉ có cát là điều hết sức vô lý". Không chỉ thế, TS Nguyễn Tác An còn nghi ngại, việc DN nói dùng lưới để ngăn phát tán bùn "thật sự không tưởng tượng được gần 1 triệu m3 dưới đáy biển, trên diện tích 30 ha thì ngăn lọc kiểu gì" (theo TS Nguyễn Tác An, nguồn báo Thanh Niên ngày 7/7/2017).

Còn TS Chu Hồi khẳng định : Bất kỳ loại chất thải nào đổ ra biển sẽ phủ trùm vĩnh viễn một hệ sinh thái nền đáy (gồm cả đáy cứng và đáy mềm) và trên bề mặt diện tích đó nó đã mất vĩnh viễn hệ sinh thái nền đáy. TS Chu Hồi cảnh báo: Vùng biển Nam Trung bộ rất có giá trị cả về mặt sinh thái và kinh tế. Nó nằm trong hệ sinh thái nước trồi và đi kèm là bãi cá lớn nhất của đất nước nằm ở ven bờ. Khu vực này có khu bảo tồn biển Hòn Cau tuy bé nhưng tác động lan tỏa, hiệu ứng phát tán nguồn lợi và dinh dưỡng ra bên ngoài vùng biển lại không hề nhỏ. “Vấn đề đáng lo hơn chính là hoạt động này sẽ tạo tiền lệ cho các nhà máy Vĩnh Tân 2; 3… và hàng loạt cái “Vĩnh Tân” ở những nơi khác nữa” - TS Chu Hồi bày tỏ lo lắng.

Biển Bình Thuận được cả thế giới biết đến cũng nhờ có Mũi Né tuyệt đẹp và cũng là tỉnh có bờ biển dài nhất tới 192 km. Để có được ấn tượng với du khách quốc tế, đương nhiên, ngoài vẻ đẹp của tự nhiên, nó đòi hỏi phải chuẩn mực về môi trường. Dẫu rằng khu vực cho phép xả bùn thải của nhà máy nhiệt điện nọ cách Mũi Né khá xa (gần 100 km) . Song để giải thích được với du khách quốc tế rằng chất lượng nước biển của khu du lịch Mũi né nói riêng, khu tắm biển khác nói chung thuộc Bình Thuận không hề gì cũng không dễ. Họ cũng đâu biết chất lượng bùn thải này độc hại hay không với người tắm biển mà chỉ biết chung chung rằng, đó là biển Bình Thuận đã từng đổ bùn thải.

Và ấn tượng về vùng biển Bình Thuận lúc này trong mắt mọi người không còn sạch như xưa. Chỉ vậy thôi là đủ " mất" Mũi Né trong chốc lát.

Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta đã lường trước tác hại của quyết định này hay chưa? Rồi chất lượng của thủy hải sản nơi đây thế nào sau khi cả triệu tấn bùn được đổ xuống. Ai dám chắc rằng nó không hề hấn gì?

Câu chuyện Formosa Hà Tĩnh xảy ra ở biển miền Trung trong đại họa năm trước cũng vì những khuyết điểm của một số cán bộ có trách nhiệm thuộc Bộ TN - MT. Vì thế cho nên dư luận và các nhà khoa học băn khoăn tuy 2 hình thức xả thải có khác nhau cũng không có gì lạ.

Nói như vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo của bộ TN - MT phụ trách Tổng cục xuống thông tin với các đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận hôm 13/7 rằng bùn cát này không độc, nhưng nếu chôn trên đất liền thì đất sẽ bị nhiễm mặn cũng không được!.

Thì ra, nếu đổ nó xuống biển vốn đã là mặn lại không hề gì (?!).

Tuy vậy, nhiều người vẫn không thể không lo lắng khi gần đây, tức là sau hơn một năm trời, những chú ghẹ bò dưới độ sâu 20m ở vùng biển Hà Tĩnh mới được thông báo cho dân là có thể ăn được. Vậy tại sao trong vụ việc này, khi vẫn còn nhiều quan điểm chưa đồng tình của các chuyên gia về môi trường biển mà Bộ TN - MT lại vội vàng trình giải pháp thuyết phục bằng được cấp trên và đã cấp phép như vậy? Không lẽ nhà nước không tính đến chuyện nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến du lịch biển cả vùng Nam Trung bộ, đặc biệt là Mũi Né, là Hòn Cau của Bình Thuận sao ? Mong rằng các cơ quan đang được trưng tập gấp để nghiên cứu vấn đề nóng này sẽ giải đáp được mọi ổn thỏa trước Nhân dân.