Đồ chơi truyền thống vẫn chiếm ưu thế chơi Tết Trung thu

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội 2016 được khai mạc từ ngày 9/9 đến 15/9 tại nhiều địa điểm khu vực trung tâm thành phố. Tham dự lễ hội, người Hà Nội vẫn hướng con trẻ đến đồ chơi truyền thống.

Nhộn nhịp phố chợ trước ngày Trung thu

Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã, cửa chính chợ Đồng Xuân, các tuyến phố đi bộ Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Lược … chiều tối ngày 14/9 (tức 14/8 Âm lịch), cả phố đã đông kín người bán-mua và tham quan phố chợ.
 Phố Hàng Mã  nhộn nhịp chiều tối ngày 14/9 (tức 14/8 Âm lịch).
 Hầu hết đồ chơi truyền thóng được các bà, bố, mẹ, cô và các em học sinh chọn mua để chơi Rằm Trung thu.
Hầu hết các gian hàng bày bán rực rỡ các đồ chơi trung thu và đều không thể thiếu các sản phẩm truyền thống, như: Đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn lồng, mặt nạ, trống, đầu sư tử, ông tiến sỹ … Nhiều gian hàng bán 100% sản phẩm đồ chơi truyền thống.
Đến với Lễ hội trung thu phố cổ không chỉ có các bậc cha mẹ đưa con đi mua sắm, mà nhiều thày cô giáo, bậc cha mẹ thay mặt ban phụ huynh lớp, nhóm học sinh thay mặt các bạn trong lớp … cũng mua sắm đồ chơi phục vụ cho các cháu vui chơi trong Lễ hội Rằm tháng Tám.

 Phổ biến là những nhóm người cho con đi chơi và đi mua đồ chơi truyền thống.

 
Nếu là cha mẹ cũng mua từ 1 đến vài đồ chơi cho con như: Đèn ông sao, đèn kéo quân, trống, đầu sư tử … Nếu là người thay mặt cho lớp thì số lượng mua khá nhiều đến vài chục đồ chơi.

Theo những người mua chia sẻ, đồ chơi hiện đại rất đắt có thể lên đến vài trăm nghìn 1 món. Nhưng đồ chơi truyền thống như đèn ông sao chỉ cần 10.000 đồng đã có thể mua 1 chiếc. Mặt nạ nhỏ cũng chỉ cần 15.000 – 20.000 đồng/chiếc. Chiếc trống nhỏ cũng 20.000 đồng/chiếc.
 Món đồ chơi được lựa chọn mua nhiều nhất vẫn là đèn ông sao.
 

Như vậy, đồ chơi truyền thống đã thu hút được khá đông người mua. Hòa mình vào Lễ hội trung thu phố cổ còn nhiều nhóm học sinh, sinh viên tham dự, không chỉ mua cho mình món đồ chơi thú vị theo sở thích, mà các em thấy thú vị khi được tận hưởng không khí của lễ hội, như chụp ảnh, xem làm đồ chơi …

Theo các tiểu thương kinh doanh tại đây, mấy ngày nay số lượng người đến đây mua đồ chơi trung thu tăng đột biến, người mua cho lớp, cho con, mua để bán tại các khu vực. Tất cả những tuyến phố cổ được phân luồng đi bộ càng về tối càng đông đúc người mua, kẻ bán.

Ý nghĩa của đồ chơi truyền thống trong Tết Trung thu
 Em Diệp Anh đang cùng bạn chọn mua đồ chơi trung thu cho lớp.

Em Diệp Anh đại diện cho lớp đi mua đồ chơi để đón Tết Trung thu. Đèn ông sao là sự lựa chọn đầu tiên của các em. Theo Diệp Anh, năm nào lớp em cũng tổ chức Tết Trung thu và đồ chơi truyền thống là những món đồ các em chơi trong dịp này. Những chiếc đèn đem lại niềm vui cho các em, nhưng thông qua những trò chơi em còn hiểu về ý nghĩa của chúng gắn với đời sống sinh hoạt của bao thế hệ người Việt Nam.

 Đầu sư tử được người phụ nữ này mua gửi đi nước ngoài để con trẻ đỡ nhớ mùa trung thu

Đồ chơi truyền thống vẫn chiếm ưu thế chơi Tết Trung thu - Ảnh 10
  Người phụ nữ này mua nhiều loại đồ chơi truyền thống cho con, cháu trông trăng thay vì đồ chơi hiện đại hàng ngày.

.

Một phụ huynh dấu tên cho biết: Chị mua đồ chơi truyền thống là đèn kéo quân, đèn lồng, đèn ông sao cho các con, cháu mình vui trung thu. Thường ngày các con, cháu chị vẫn chơi các đồ chơi hiện đại như xe ô tô, máy bay, … có điều khiển từ xa. Nhưng đây là Tết cổ truyền thì phải mua đồ chơi truyền thống để giữ lấy bản sắc văn hóa và để các con hiểu được ý nghĩa của Tết trông trăng.

 Niềm vui mua đồ chơi trung thu không chỉ có con trẻ mà ngay cả người lớn cũng vui mỗi khi mùa trung thu đến.
 

Bà Nguyễn Thị Nhung, người Hà Nam nhưng đã bán đèn ông sao, trống ở phố Hàng Lược hơn 40 năm qua. Mỗi mùa trung thu đến, với bà lại rạo rực niềm vui cùng con trẻ. Bà không chỉ bán trống mà còn dạy chúng đánh trống thế nào cho đúng. Ai đến đây mua bà đều cho đánh thử. Tiếng trống đã làm sôi động cả góc phố ai đến cũng muốn xem bà đánh và tự đánh một hồi trống. Theo bà tiếng trống trong đêm Rằm tháng Tám là tiếng gọi bạn cùng chơi trăng. Tổ chức Tết Trung thu có cỗ cúng lễ, múa kỳ lân, đánh trống và tiếng hò reo sẽ làm cho loài quỷ không dám xuất hiện, và mọi người đều mong ước những điều tốt đẹp, vui tươi sẽ đến.
 Bà Nhung bán đồ chơi trung thu đã 40 năm tại phố Hàng Lược. Bà không chỉ bán trống mà còn dạy các em, người mua trống đánh trống cho đúng. Với bà con trẻ và Tết Trung thu luôn là niêm vui.

Cùng với đó, ngay trên các tuyến phố còn có những người làm đồ chơi truyền thống tại đây. Mỗi đồ chơi đều gắn với hoạt động đời sống thường ngày của chúng ta. Nhiều người còn học làm đồ chơi, và tìm hiểu ý nghĩa của chúng, như: Nặn tò he, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, làm diều, bày cỗ đón Tết Trung thu bằng việc cắt tỉa hoa, kết các con thú cưng chó, mèo bằng dưa, bưởi …
 Tại đây nhiều người còn học làm đồ chơi truyền thống.
 
Qua mỗi món đồ chơi truyền thống đều cho chúng ta những biểu cảm khác nhau, ẩn sâu trong đó là tìm cảm, ngôn ngữ, là sự tích tụ trí tuệ, món ăn tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa của bao thế hệ người Việt. Tết Trung Thu không chỉ là một phong tục, mà ý nghĩa của nó là sự chăm sóc, yêu thương, biết ơn, báo hiếu của thế hệ sau với người đi trước và cũng thể hiện tình cảm yêu thương, răn dạy thế hệ trẻ biết coi trọng đạo nghĩa ở đời, và tết của tình thân, sự đoàn tụ, đoàn kết, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.