Độ rắc rối "Biden - Ukraine" với ông Trump từ phản ứng tại Washington

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ lúc trở thành một nhân vật chính trị, ông Donald Trump đã bị bao quanh bởi hàng loạt điều tra và tranh cãi. Liệu bê bối "chơi xấu" đối thủ tranh cử lần này của Tổng thống thứ 45 nước Mỹ có lại kết thúc như chưa từng xuất hiện - tương tự các ồn ào trước nay?

Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi một họp báo tại Nhà Trắng. 
Hiện tại, Tổng thống Trump đang đối mặt với một mối đe dọa khác biệt với tất cả những ồn ào mà ông từng đối mặt trước đây. Nó đã nhanh chóng phát triển từ một cuộc tranh cãi về việc khiếu nại tố giác, đến một cuộc điều tra luận tội tổng thống chỉ trong vòng 2 tuần.
Phần lớn các bằng chứng đã được xem là công khai, bao gồm 1 bản ghi chép sơ bộ một cuộc điện thoại, trong đó ông Trump yêu cầu Tổng thống Ukraine giúp điều tra đối thủ tranh cử tới từ đảng Dân chủ Joe Biden. Bức thư chi tiết của người tố cáo còn cáo buộc Nhà Trắng đã cố gắng che đậy cuộc gọi đó.
Khác với cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller vừa kết thúc hồi đầu năm nay, cuộc điều tra (nếu có) lần này sẽ không tập trung vào quá nhiều người thân cận của ông Trump, mà xem ông chủ Nhà Trắng chính là trung tâm của thăm dò.
"Các báo cáo Mueller có vẻ đã nói nhiều về trợ lý Manafort hay con trai ông Trump... còn đây chỉ là Donald Trump và một cuộc trò chuyện đáng lo ngại với một nhà lãnh đạo thế giới khác", nhà nghiên cứu lịch sử các đời tổng thống, Douglas Brinkley nhận định.
Theo cuộc thăm dò một ngày của NPR/ PBS NewsHour/ Marist được tiến hành hôm 25/9 vừa qua, 49% người Mỹ ủng hộ Hạ viện chính thức bắt đầu một cuộc điều tra luận tội Tổng thống đương nhiệm. Trong đó, 88% cử tri đảng Dân Chủ tán thành cuộc điều tra và 93% đảng Cộng hòa không tán thành.
Vì vậy, không khó hiểu khi phản ứng của Washington trở nên khác biệt, trước tình thế ông Trump có thể trở thành Tổng thống Mỹ thứ 3 bị Hạ viện luận tội trong lịch sử nước Mỹ.
Ít nhất một điều đến nay chưa thay đổi, chính là sự phân chia đảng phái rõ ràng đối với các hành động của ông Trump, cả ở Washington và trên toàn quốc.
Tại Quốc hội, nhiều nghị sĩ Cộng Hòa đã bảo vệ Tổng thống đến từ Đảng nhà, tự tin bác bỏ cuộc điều tra luận tội chỉ là một nỗ lực đảng phái nhằm hạ bệ một nhân vật cầm quyền.
Theo Mark Updegrove, một nhà sử học về tổng thống nói rằng, sự hỗ trợ lâu dài từ các nhà lập pháp Cộng hòa chính là điểm khác biệt giữa bê bối của ông Trump với trường hợp của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon - người đã từ chức giữa cuộc điều tra luận tội Watergate vì đảng nhà đã từ bỏ ông này.
"Sự khác biệt lớn là tại Watergate, cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều lo ngại sâu sắc về việc tổng thống có liên quan đến một sai phạm hình sự. Đó là một nỗ lực của lưỡng đảng và chắc chắn không xảy ra lúc này (với ông Trump)", ông Updegrove nói.
Thêm vào đó, việc ông Trump "được lòng" đảng Cộng hòa khiến cho gần như không thể xảy ra kịch bản Thượng viện do đảng này kiểm soát sẽ kết án ông, kể cả khi ông bị Hạ viện Dân chủ luận tội.
Chính Tổng thống Trump cũng nhận thức sâu sắc rằng đảng nhà có thể bảo vệ ông, nên khi vào giữa "cơn bão lửa" tuần trước, ông đã tweet trực tiếp tới đồng minh: "Hãy đoàn kết, tiếp chiêu họ (đảng Dân chủ) và chiến đấu cùng anh em Cộng hòa".
Và sau đó, ông xóa tweet.