Đô thị thông minh trong kỷ nguyên số

TS.KTS Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định đô thị hóa là tất yếu khách quan, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Định hướng chính sách về chuyển đổi số

Đảng, Nhà nước đưa ra mục tiêu tổng quát là tận dụng có hiệu quả những cơ hội do cuộc cách mạng lần thứ 4 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu đến năm 2025, duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung...

Đô thị thông minh trong kỷ nguyên số - Ảnh 1

Cùng với đó, đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới… Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt chỉ tiêu về y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Tập trung xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên - môi trường, học trực tuyến, nội dung số, dịch vụ kế toán, tài chính DN, đô thị, ngân hàng số... và có chính sách khuyến khích DN công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển những hệ thống này.

Đối tượng, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá để phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng cũng như hoạt động xây dựng (tư vấn thiết kế; tư vấn thẩm tra, thẩm định; thi công xây lắp; nghiệm thu công trình); khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; nhà ở, công sở và thị trường bất động sản... Từ đó để lựa chọn một số đối tượng cụ thể trong phạm vi quản lý Nhà nước của ngành xây dựng để ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cho việc chuyển đổi số, gồm: ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý GIS trong công tác lập quy hoạch, quản lý xây dựng; ứng dụng mô hình thông tin công trình BIM trong các hoạt động đầu tư xây dựng công trình; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý vận hành đô thị thông minh, DN số...

Các loại hình dịch vụ thông minh (công nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại…) dựa trên nền kinh tế tri thức. Tạo điều kiện, hỗ trợ, nâng cao hiệu suất quản lý phát triển đô thị thông qua hệ thống: cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, cảm biến, kết nối, tự động hóa, tương tác trên nền tảng hạ tầng ICT. Phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chung sống, phát triển hòa hợp với thiên nhiên, bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên, đa dạng sinh học...

Giải pháp chiến lược

Hiện nay, thách thức lớn nhất trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam là hành lang pháp lý thiếu rõ ràng. Bên cạnh đó, các đô thị cũng chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa hạ tầng thiết yếu... Vì vậy, giải pháp chiến lược cần phải tập trung vào một số vấn đề.

Thứ nhất, cấp thiết phải hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý - phát triển đô thị bền vững… Sớm xây khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị…

Thứ hai, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững, trên cơ sở đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững. Xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị, ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số.

Thứ ba, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững, đồng bộ về mạng lưới; triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, nâng cấp đô thị; xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hoá.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nhà ở - thị trường bất động sản, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; tích hợp hệ thống đo lường, cảm biến, hệ thống dữ liệu, khai thác hiệu quả những nền tảng và ứng dụng công nghệ số vào hạ tầng thiết yếu tại đô thị; thúc đẩy mô hình quản lý thông minh trong vận hành, quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị.

Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh - phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Thứ sáu, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị. Phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao... tại các đô thị đặc biệt và đô thị lớn.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh, Đảng, Nhà nước đặt ra mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Trong đó, phát triển Chính phủ số giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (kinh tế số chiếm 20 - 30% GDP); xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Tất cả các mục tiêu phát triển đô thị thông minh đều lấy người dân làm trung tâm, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.

 

Trên quan điểm người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách, phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng số được tích hợp sẵn những chức năng về bảo đảm an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng.