Đô thị thông minh: Từ xu hướng đến hiện thực

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý tưởng TP thông minh của Singapore bắt nguồn từ chính sách Tầm nhìn Quốc gia thông minh khởi động từ năm 2014 nhằm mục đích phát triển hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông, mạng lưới và dữ liệu để tìm kiếm giải pháp cho các thách thức đặt ra trước tình trạng già hóa dân số, mật độ dân số thành thị và bảo toàn năng lượng của quốc gia này.

Bài 2: Bài học từ quốc gia tiên phong
Giao thông thông minh

Một trong các dịch vụ thông minh và phát triển nổi bật nhất ở Singapore phải kể đến Hệ thống Giao thông thông minh (the Intelligent Transport System - ITS) được ứng dụng rộng rãi hơn 10 năm. Hệ thống này bao gồm dịch vụ ONE MOTORING là cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin giao thông cho người lái xe và cho phép đóng phạt qua mạng.
 Một trong những công trình kiến trúc xanh của Singapore. Nguồn: LifeStyle.
Dữ liệu người dùng truy cập được thu thập từ các camera an ninh giám sát lắp đặt trên khắp trục đường và trên các phương tiện taxi có sử dụng GPS. Đồng thời cung cấp thông tin về tỷ giá phí đường thu tự động (ERP), các địa điểm đang sửa chữa hay vị trí đỗ xe… Người dùng hoàn toàn có thể truy cập ứng dụng từ các thiết bị di động.

Gần đây, Singapore còn tiết lộ chiến lược Smart Singapore nhằm biến quốc gia này thành một quốc gia thông minh thực sự đầu tiên trên thế giới vào năm 2020.
Cùng với đó còn có hệ thống giám sát và tư vấn đường cao tốc (Express monitoring and advisory system) và Hệ thống cứu hộ (Vehicle Recovery System), phần mềm cảnh báo tốc độ (Your Speed Sign), dịch vụ hướng dẫn đỗ xe (Parking Guidance Service) nhằm cung cấp thông tin thực về tìm kiếm vị trí đỗ xe, từ đó tăng hiệu quả sử dụng các địa điểm đỗ xe hiện có.

Ngoài ra, hệ thống thông tin xe buýt (Bus Information System) ứng dụng điện thoại thông minh MyTransport.SG cho phép người sử dụng cập nhật thông tin về vị trí bến xe, thời gian các chuyến và tình trạng mỗi xe buýt (lượng ghế trống) để người sử dụng có quyền lựa chọn đi chuyến nào.

Kiến trúc xanh

Một điểm đáng chú ý khác trong xây dựng đô thị thông minh mà bất cứ quốc gia nào cũng nên học hỏi ở Singapore đó là Kiến trúc xanh (Green Building) hay Kiến trúc bền vững (Sustainable Architecture). Kiến trúc xanh là 1 trong 4 tiêu chí để định hình một đô thị thông minh đúng nghĩa, đạt chuẩn và đáng sống. Thực tế, Singapore không có bất kỳ nguồn năng lượng sơ cấp nào để có thể khai thác như dầu mỏ, than đá hay thủy điện, vì vậy, việc sản xuất hay sử dụng năng lượng ở Singapore rất tốn kém. Ví dụ, giá điện ở Singapore bình quân ở mức 21 cent Mỹ/kWh, cao gấp 2,8 lần với mức giá bình quân hiện hành ở Việt Nam là 7,5 cent/kWh.

Tuy nhiên, Chính phủ và người dân Singapore đã tính đến chuyện tiết kiệm năng lượng từ lâu và phấn đấu không mệt mỏi vì mục tiêu này trong hàng chục năm qua, đó là đặt tiêu chuẩn phủ xanh cuộc sống, hướng tới những công trình tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Tiêu biểu, Singapore nổi tiếng với 5 công trình lớn thân thiện với môi trường như CapitaGreen; Tree House; NTU School of Art, Design and Media; Oasia Hotel; and Eco Santuary.

Được biết tới với tên gọi “the Garden City” - TP Vườn, tính đến năm 2030, Singapore dự định phủ xanh 80% tất cả các công trình xây dựng bằng công nghệ kiến trúc xanh. Có nghĩa là những công trình xây dựng này sẽ được nâng cao hiệu quả năng lượng và nước, môi trường trong nhà được thiết kế lành mạnh kết hợp với các không gian xanh sử dụng các nguyên liệu xây dựng thân thiện với mối trường.

Ứng dụng công nghệ thông tin

Là một quốc gia nhỏ với diện tích đất hạn chế, Singapore gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập và dự trữ nước mưa. Chính vì thế, quốc gia này không ngừng đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Một ứng dụng điện thoại đã ra đời nhằm cho phép người dân có thể theo dõi các hóa đơn chưa trả và tình trạng thanh toán để chủ động nắm bắt và quản lý được số lượng nước mình đã sử dụng, giảm thiếu tình trạng lãng phí nguồn nước.

Bên cạnh đó, các thùng rác thông minh đã được đưa vào sử dụng từ năm 2015 như một phần trong chương trình quản lý rác thải thông minh. Bộ phận cảm biến trên các nắp thùng rác sẽ giúp phân loại chất thải và nơi cần vứt từ đó giảm thiểu lượng công việc cho nhân viên vệ sinh đồng thời luôn giữ gìn môi trường sạch đẹp.

Ngoài ra, vì hướng tới tiêu chí hiệu quả năng lượng và thân thiện với môi trường, nhiều thiết bị cảm biến đã được lắp đặt trong các đồ gia dụng như thiết bị chiếu sáng. Các thiết bị này sẽ tự động tắt nếu không có ai sử dụng. Tại các tòa nhà và khu văn phòng, hệ thống chiếu sáng thông minh cũng tự động điều chỉnh thông qua cảm biến các chuyển động cũng được ứng dụng rộng rãi.

(còn nữa)

"Singapore là một trong 5 TP dẫn đầu danh sách những TP thông minh nhất thế giới do Công ty nghiên cứu thị trường Juniper Reasearch (Anh) bình chọn. Juniper Reseach dành cho Singapore sự đánh giá cao nhờ các chính sách và công nghệ di động thông minh cũng như khả năng kết nối không dây. Nhờ công nghệ, Singapore có thể đưa khái niệm “TP thông minh” lên một tầm cao mới. Năm 2014, Singapore thông báo nước này đang phát triển một phần mềm với tên gọi “Singapore ảo”. Đây là mô hình 3D động cho phép các nhà quy hoạch TP chạy các thử nghiệm xác thực ảo, ví dụ như để xem đám đông sơ tán từ một khu vực gặp tình trạng khẩn cấp như thế nào. Về giao thông, Singapore đã tích cực triển khai thu phí ùn tắc và dành khoản tiền này để đầu tư vào các cảm biến lắp đặt trên đường, đèn giao thông chia pha và đỗ xe thông minh." - Steffen Sorrell - chuyên viên phân tích cao cấp tại Công ty nghiên cứu thị trường Juniper Reasearch (Anh).