Đoàn Séc tới Đài Loan: Bên mừng, phía hận

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn vào mức độ và hình thức phản ứng của Trung Quốc có thể thấy được, Trung Quốc không hài lòng, thậm chí còn có thể nói là giận dữ đến mức độ nào về việc Séc cử hẳn một phái bộ rầm rộ, do không phải ai khác ngoài đích danh Chủ tịch Thượng viện dẫn đầu tới thăm Đài Loan.

Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil (trái) chào bằng khuỷu tay với Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu tại ĐH Quốc gia Chengchi, Đài Bắc, hôm 31/8.
Quốc hội là cơ quan lập pháp chứ không phải hành pháp, nhưng đoàn gần 100 người từ Séc đã đến Đài Loan không phải đi du lịch mà công du thực thi sứ mệnh chính trị rõ ràng.

Séc là thành viên EU và NATO, có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc chứ không phải với Đài Loan, tức là chấp nhận quan điểm chính sách "Một Trung Quốc", nhưng nay lại công khai thúc đẩy quan hệ hợp tác với Đài Loan bằng cả những phương cách và hình thức mà hiểu là không chính thức hay chính thức đều được.
Trung Quốc không bực bội và hậm hực sao được khi Séc tạo tiền lệ mới trong quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan. Trung Quốc không thể không lo ngại và phản ứng mạnh bởi tiền lệ sẽ đưa đến thông lệ và tiền lệ này đã được tạo ra không chỉ cho mối quan hệ giữa Séc với Trung Quốc và Đài Loan mà còn cho cả mối quan hệ của EU nói chung và các thành viên khác nữa của EU nói riêng với Trung Quốc và Đài Loan.
Đài Loan có đủ lý do xác đáng để vui mừng, nhất là khi trước đấy đã có chuyện một số nước công khai ủng hộ Đài Loan trở lại Tổ chức Y tế Thế giới với tư cách là quan sát viên, lần đầu tiên một thành viên Chính phủ Đức trao đổi thư từ chính thức với chính quyền Đài Loan và cũng lần đầu tiên kể từ năm 1979 - thời điểm Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau - có một thành viên chính phủ Mỹ tới thăm Đài Loan.
Mỹ và Đài Loan gắn bó với nhau đã đành, các nước thành viên EU gia tăng mức độ chính thức trong quan hệ với Đài Loan lại là chuyện rất mới mẻ. Mọi sự điều chỉnh chính sách của họ đối với Đài Loan đồng thời cũng là điều chỉnh chính sách của họ đối với Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc tiến hành nhiều chiến dịch ngoại giao quy mô lớn nhằm vào những nước trên thế giới có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan khiến cho số này cứ bị rơi rụng dần. Cách vận động và tranh thủ của Trung Quốc quá khôn khéo và thực tế, sự quyến rũ của Trung Quốc quá mạnh mẽ đến mức trên cùng phương diện này Đài Loan hoàn toàn không thể là đối thủ của Trung Quốc.
Vì thế, những biểu hiện về điều chỉnh chính sách của Mỹ và các nước thành viên EU đối với Đài Loan - và đối với Trung Quốc - là những trợ lực vô cùng quan trọng và giá trị đối với Đài Loan. Sẽ không có chuyện những đối tác này từ bỏ quan hệ chính thức của họ với Trung Quốc để thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng xem ra hiện đang dần định hình xu thế diễn biến là các đối tác này tăng cường quan hệ hợp tác với Đài Loan bất chấp mọi mức độ và hình thức phản đối của phía Trung Quốc.
Có 3 nguyên do lý giải chiều hướng diễn biến này mà hệ luỵ trực tiếp của nó là Đài Loan có thể tiếp tục mừng và Trung Quốc còn tiếp tục bực dọc.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa Mỹ và nhiều nước thành viên EU với Trung Quốc thời gian vừa qua rất trục trặc, bất đồng quan điểm mang tính nguyên tắc ngày càng tăng và xung khắc lợi ích cơ bản mang tính chiến lược lâu dài ngày càng rõ.
Tình trạng này sẽ còn dai dẳng chứ chưa thể sớm mai một. Trung Quốc bị các đối tác này đối phó ngày càng quyết liệt và Đài Loan đã trở thành một con chủ bài đắc dụng đối với họ trong việc xử lý quan hệ của họ với Trung Quốc, ở cả khuôn khổ song phương cũng như đa phương. Vấn đề Đài Loan càng nhạy cảm đối với Trung Quốc bao nhiêu thì mức độ đắc dụng của "con chủ bài" Đài Loan càng tăng cao bấy nhiêu đối với các đối tác kia.
Thứ hai, tuy không cùng nhau hình thành liên minh hay liên quân chính thức cùng đối phó Trung Quốc nhưng Mỹ, Anh, Canada, Australia và một số nước thành viên EU khác có quan điểm như nhau về những thách thức đến từ Trung Quốc, về chính sách và hành động của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, khu vực Biển Đông, các tập đoàn kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài...
Việc thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa các đối tác này với nhau để cùng xử lý chuyện quan hệ của họ với Trung Quốc và Đài Loan trên thực tế đang được họ thúc đẩy không chỉ mạnh mẽ mà còn cả công khai.
Thứ ba, bản thân Đài Loan được họ nhìn nhận là đối tác kinh tế, thương mại và nhà đầu tư ngày càng thêm quan trọng và chuyện hợp tác với Đài Loan tuy chưa thể so sánh được về quy mô với hợp tác của họ với Trung Quốc nhưng rõ ràng thuận lợi và đơn giản hơn rất nhiều so với hợp tác với Trung Quốc.
Với cách phản ứng và hành động để đối phó như lâu nay, Trung Quốc không thể ngăn cản được chiều hướng diễn biến này.