Doanh nghiệp chủ động thì mới có thể hưởng lợi từ CPTPP

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp phải nắm chắc các quy tắc của hiệp định để vừa đáp ứng, vừa vận dụng tối đa cho sản xuất, kinh doanh.

Da giày được đánh giá là một trong những ngành chịu rất nhiều ảnh hưởng từ CPTPP. Trong đó, hiệp định này quy định hàm lượng nội khối trong sản phẩm da giày lên đến 45 - 55%.
Tìm hiểu hiệp định từ giai đoạn xây dựng, đàm phán, Công ty Biti’s đã có sự chuẩn bị rất kỹ về mặt xuất xứ, vật tư nguyên phụ liệu và sẵn sàng đáp ứng quy định đó.
 Da giày là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng từ  CPTPP. (Ảnh: KT)
Bà Vưu Lệ Quyên - Tổng Giám Đốc Công ty Biti’s cho biết, trong quá trình phát triển, Biti’s luôn có chính sách nội địa hóa nguyên liệu càng nhiều càng tốt vì nghĩ rằng, dùng nguyên liệu trong nước vừa chủ động được sản xuất, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
“Biti’s đã chuẩn bị về xuất xứ vật tư nguyên phụ liệu, chuẩn bị xuất xứ hàng hóa để để tận dụng những ưu đãi mà hiệp định có thể đem lại cho doanh nghiệp. Có CPTPP thì sẽ có nhiều sự đầu tư từ FDI vào ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam để làm sao gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, vật tư nguyên phụ liệu”, bà Vưu Lê Quyên nói.
CPTPP đem đến cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt nhưng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh gay gắt ở chính thị trường nội địa.
Ông Dương Thanh Đảo, Giám đốc Marketing công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc cho rằng, nếu trước đó doanh nghiệp đã có ý thức trong xây dựng thương hiệu, giảm giá thành, đầu tư công nghệ… thì hoàn toàn yên tâm cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ việc nhập nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ từ các nước tham gia hiệp định. Thương hiệu hàng nhựa và inox Qui Phúc đã có chỗ đứng ở thị trường trong nước và xuất khẩu thì CPTPP đang hứa hẹn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Ông Dương Thanh Đảo cho rằng: “Khi mở cửa thị trường cũng có cả thuận lợi và khó khăn. Các doanh nghiệp trong nội khối sẽ đưa hàng hóa vào và có sự cạnh tranh, chúng tôi đã chủ động để có sự cạnh tranh sòng phẳng ngay trên sân nhà. Đồng thời, tập trung từ xây dựng hệ thống phân phối, đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, giá thành phù hợp”.
Trên thực tế, những doanh nghiệp có sự chủ động chuẩn bị và tự tin như Biti’s, Qui Phúc không nhiều. Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự quan tâm, chủ động tìm hiểu và nắm bắt cơ hội, tổ chức sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu.
Trong CPTPP có rất nhiều ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, nhưng để được hưởng những ưu đãi đó thì hàng hóa phải đáp ứng được yêu cầu của hiệp định này.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TPHCM cho biết, trong CPTPP, yêu cầu xuất xứ rất là ngặt nghèo. Hiện nay, dệt may, da giày và một số ngành khác phụ thuộc khá nhiều nguyên phụ liệu từ các quốc gia ngoài khối CPTPP. Nếu chúng ta không tính toán trước, không có sự chuẩn bị câu chuyện về nguyên phụ liệu thì khi xuất hàng đi và không có đủ hàm lượng xuất xứ nội khối thì sẽ không được hưởng lợi.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp nắm chắc nội dung hiệp định, tận dụng được cơ hội cũng chính là vượt qua được những thách thức, rào cản. Trong đó, có những điểm doanh nghiệp tận dụng được ngay, có những điểm cần cả một quá trình mà nếu chưa bắt đầu thì phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Cụ thể, với quy tắc xuất xứ để có thể hưởng được ưu đãi về thuế quan, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị lâu dài.
“Việc quy tắc xuất xứ không thể thay đổi ngày một ngày hai mà cần phải có sự thay đổi trong tìm kiếm nguồn cung, quy trình sản xuất để đạt được các quy tắc xuất xứ. Cho nên, nếu doanh nghiệp chưa quan tâm tìm hiểu, chưa có hành động cụ thể để thay đổi cách thức thì rất khó để tận dụng”, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết.
CPTPP có khoảng 6000 trang văn bản quy định, doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu được những điểm cơ bản nhất có ảnh hưởng đến mình. Trong hiệp định này, các quốc gia cam kết xóa bỏ từ 78%-95% số dòng thuế cho hàng Việt vào thị trường của họ ngay khi hiệp định có hiệu lực, cuối lộ trình là bỏ 97-100%.
Doanh nghiệp muốn có được ưu đãi đó thì sản xuất hàng hóa phải đáp ứng được các yêu cầu của CPTPP, trong đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất là quy định về xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, trong khối các quốc gia tham gia CPTPP, các biện pháp phòng vệ thương mại không hề mất đi. Tại đây, vẫn áp dụng các biện pháp tự vệ toàn cầu để có thể loại trừ hàng xuất xứ CPTPP và tự vệ đặc biệt chỉ áp dụng với hàng hóa của một số nước.
Các nước tham gia CPTPP vẫn thực hiện hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, chống trợ cấp tương tự như trong WTO, đồng thời, bổ sung thêm một số nội dung về minh bạch, hợp tác. Đây là những thách thức nhất định đối với doanh nghiệp Việt bên cạnh những thời cơ mà hiệp định đem lại.