Doanh nghiệp Hà Nội mong muốn gói hỗ trợ được triển khai kịp thời

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp và tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp Hà Nội mong muốn gói hỗ trợ lần 2 về hoãn, giãn, miễn giảm các loại thuế phí do Bộ Kế hoạch-Đầu tư đang xây dựng sẽ được triển khai kịp thời và nhanh nhất cho DN.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) đã nhấn mạnh điều này tại buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội) và Hanoisme tổ chức ngày 21/5.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực và nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), khiến các đơn hàng bị sụt giảm, sản xuất kinh doanh khó khăn. Bằng nỗ lực của mình, nhiều doanh nghiệp của Hà Nội đã vượt khó thành công để duy trì hoạt động, tạo ra việc làm cho xã hội và góp phần giữ ổn định nền kinh tế.
 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh. Ảnh: Thanh Hải
DN vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất-kinh doanh
Trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, hầu hết các ngành sản xuất ở Việt Nam đều chịu tổn thương do chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Tuy nhiên, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, DN Việt Nam đang có ưu thế hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp cùng ngành nghề tại nước ngoài để cạnh tranh tốt hơn, theo đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội.
Khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn, nhu cầu về sản xuất lại tăng lên mặc dù sẽ chậm hơn so với thời điểm trước dịch bệnh. Những doanh nghiệp đã tham gia và đảm bảo được tiêu chuẩn đặt ra trong chuỗi cung ứng quốc tế vẫn sẽ có được đơn hàng của đối tác. Dự báo năm 2021, với tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát ở Việt Nam và trên thế giới, sản xuất toàn cầu sẽ trở lại. 
Để chuẩn bị cho giai đoạn đó, các công ty đã tập trung đầu tư máy móc, nhân sự, đào tạo để sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. DN khi đạt được quy chuẩn đó, không chỉ thị trường trong nước mà tại nước ngoài cũng thuận lợi hơn rất nhiều khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn nước ngoài.  
Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, hỗ trợ DN, Chính phủ đã có các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội. Các DN đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, với các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm…
Ông Quốc Anh cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao về việc Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020. Đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ trong thời gian vừa qua, chưa từng có ở Việt Nam.”
Một gói chính sách nữa có sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid-19 là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. 
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. “Có thể nói, việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN Việt Nam đặc biệt DN thủ đô,” ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Hỗ trợ chính sách cho DN cần nhanh và thực chất
Hiện nay, việc hỗ trợ được thực hiện cào bằng. Việc đưa ra một gói hỗ trợ cho tất cả các DN dường như chưa sát với thực tế. Các DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN. 
Theo ông Quốc Anh, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. “Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống,” ông nhấn mạnh.
Đại diện Hanoisme đề xuất lãnh đạo ở các cấp ngành cần cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận, xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, đặc biệt cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách.
“Gói hỗ trợ này có thể dựa trên những đánh giá chỉ số, để phân chia theo mô hình DN nhỏ vừa, lớn và đưa ra các gói phù hợp với các ngành cho DN,” ông Quốc Anh cho biết. “Chúng tôi mong muốn đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.”
Ngoài ra, với ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, nhà nước cần sớm có chính sách phát triển cụ thể. Các DN xuất khẩu hy vọng rằng khi dịch bệnh được kiểm soát, đặc biệt tại châu Âu, các DN sẽ đẩy mạnh hơn nữa vào thị trường này. Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp cho doanh nghiệp có lợi thế hơn nữa khi xuất khẩu hàng sang thị trường này.
Đến thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đang có mức khởi sắc nhất định sau dịch. Nhiều tín hiệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế có thể từ 1,8-2,9% trong năm 2020. Đây là thành quả có được nhờ phòng chống dịch bệnh rất hiệu quả, ông Quốc Anh cho biết.