Doanh nghiệp Israel đánh giá cao chính sách e-visa của Việt Nam

Theo VietnamPlus
Chia sẻ Zalo

Người dân và doanh nghiệp Israel cho rằng Việt Nam đang thực hiện những bước cải cách nhằm về thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào du lịch và kinh doanh.

Du khách nước ngoài đến Hà Nội trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)  
Du khách nước ngoài đến Hà Nội trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)  

Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP từ ngày 15/8 áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân các nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đồng thời nâng giá trị của thị thực điện tử lên tới 90 ngày đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân và doanh nghiệp Israel.

Những người được hỏi đều đánh giá cao chính sách mới, cho rằng Việt Nam đang thực hiện những bước cải cách nhằm về thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào du lịch và kinh doanh.

Thay vì phải đến tận nơi đóng dấu thị thực vào hộ chiếu, e-visa có thể làm tiện lợi hơn, nhanh hơn và giảm bớt chi phí.

Ông Eran Laufman, sống tại thành phố Yavne, Israel, cho biết 6 tháng trước, ông đã đi du lịch tới Việt Nam và vô cùng ấn tượng với các địa danh nổi tiếng như Hạ Long, Sa Pa.

Ông đã từng nghe nói về các địa danh này trong một chuyến du lịch tới Đông Nam Á trước đây, nhưng không thể đăng ký xin thị thực tại thời điểm đó vì không có kế hoạch trừ trước.

Các doanh nghiệp lữ hành có lẽ là đối tượng hào hứng nhất khi đón nhận thông tin Việt Nam đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh.

Ông Buta Doron, Người sáng lập và là Giám đốc Điều hành Công ty Doron-Vietnam Travel, cho biết ông rất vui khi Việt Nam cải tiến thủ tục cấp và nâng thời hạn thị thực cho du khách nước ngoài kể từ ngày 15/8 vừa qua. Chắc chắn e-visa sẽ mang lại trải nghiệm dễ chịu hơn cho du khách Israel khi họ chỉ cần thực hiện đăng ký qua máy tính và mạng Internet.

Tuy nhiên, theo ông Doron, Việt Nam nên thực hiện một số cải tiến đi kèm khác. Ví dụ có thể áp dụng phương thức thanh toán điện tử bằng máy ngay tại sân bay, như một phần của quy trình thủ tục an ninh và kiểm tra hộ chiếu, thay vì phải đăng ký thông tin trực tuyến khá phức tạp như hiện nay.

Áp dụng quy trình e-visa giúp du khách có thể dễ dàng ra quyết định có nên thực hiện chuyến đi hay không, bởi các thủ tục lúc này giống như việc đặt vé máy bay là có thể lên đường. Bên cạnh đó, thời hạn của thị thực cũng được nâng lên và có giá trị nhập cảnh nhiều lần, đây là điều các du khách Israel rất quan tâm.

Ông Viet Fam, Tổng Giám đốc Công ty Vietfood Group, cho biết một số người bạn của ông đã đăng ký thành công và lên đường sang Việt Nam ngay sau khi quy định mới có hiệu lực.

Ông nói: “Một số người muốn ở lâu hơn 1 tháng. Với thời hạn thị thực du lịch lên tới 3 tháng, thay vì chỉ 30 ngày như trước đây, họ có cơ hội khám phá hết vẻ đẹp của Việt Nam. Họ muốn đi du lịch tới cả các tỉnh miền Bắc và miền Nam, để thực sự tận dụng được hết cơ hội tới thăm đất nước các bạn.”

Là giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến từ Việt Nam để xuất đi các nước châu Âu, Trung Đông, ông Viet Fam thường xuyên đi lại giữa Israel và Việt Nam.

Ông khẳng định: “Tôi cho rằng cấp thị thực điện tử và nâng giá trị thời hạn lên 3 tháng là là một chính sách tuyệt vời của Chính phủ Việt Nam. Du khách có nhiều sự thuận tiện. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và hàng không sẽ được mở ra cơ hội. Đây là tin tuyệt vời cho tất cả các bên.”

Những cải cách về thị thực càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam và Israel mới đây đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Song phương (VIFTA) và đang có kế hoạch sớm khai thác đường bay thẳng giữa hai nước.

Chuyên gia Doron nhận định những chuyển biến tích cực này sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương, đặc biệt là du lịch và thương mại.

(Nguồn: TTXVN)  
(Nguồn: TTXVN)  

Từ góc độ của người làm du lịch, ông Doron hy vọng đường bay thẳng sẽ giúp đưa giá vé máy bay hai chiều giữa Israel và Việt Nam hấp dẫn hơn, qua đó kích thích nhu cầu đi du lịch và khám phá của người dân Israel tới Việt Nam.

Trong khi đó, Công ty Vietfood Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại; nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là thủy hải sản đông lạnh như cá, tôm, mực các loại, để cung cấp cho các siêu thị không chỉ ở Israel mà cả 12 quốc gia khác.

Có hơn 10 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, ông Viet Fam cho rằng việc hai nước ký hiệp định VIFTA là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và du lịch. Hiện tại, tổng kim ngạch hai chiều vào khoảng gần 2,5 tỷ USD/năm, xét về tiềm năng có thể tăng lên 3,5-4 tỷ trong vòng 2 năm tới.

Những cải cách về thủ tục cấp thị thực đang mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh ngày càng lớn cho cả hai bên. Các doanh nghiệp Israel sở hữu nhiều công nghệ và phát minh mới, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam rất cần các công nghệ này để áp dụng vào thực tiễn.

Vì vậy, một mặt các doanh nghiệp và du khách Israel rất muốn sang Việt Nam, mặt khác người Việt Nam với tính cách ham học hỏi cũng rất mong muốn sang Israel tìm hiểu những kiến thức và công nghệ.

Ông Viet Fam khẳng định: “VIFTA mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Israel. Họ sẽ nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam nhiều hơn. Kể cả khi họ muốn nhập hàng hóa từ các nước khác trong khu vực, họ cũng sẽ đến Việt Nam do có ưu đãi về thuế và chất lượng sản phẩm tốt. Tôi nghĩ điều tốt đẹp nhất sẽ diễn ra với cả hai quốc gia, trong đó có công ty của tôi”./.