Doanh nghiệp kiến nghị giảm thêm lãi suất cho vay

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mặc dù đánh giá cao các chính sách hỗ trợ thời gian qua, DN vẫn mong muốn lãi suất cho vay tiếp tục kéo giảm để có thể tiếp cận vốn.

Lãi suất huy động giảm nhanh, lãi vay vẫn cao

Từ đầu tháng 8, các ngân hàng liên tục giảm thêm lãi suất huy động. Đến nay, sau 4 lần NHNN giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động các ngân hàng đã giảm 2- 3%/năm.

Nếu như đầu tháng 5 lãi suất phổ biến trên 8%/năm thì đến nay, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh lùi về mức 6,3%/năm.  Lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6 -6,4%/năm với mức trung bình khoảng 6,2%/năm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Với kỳ hạn 6 tháng, BIDV, VPBank, KienLong Bank và NamA Bank là nhóm ngân hàng có tổng mức giảm sâu (chỉ sau VietinBank) khi lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm tới 1,9%/năm. Đây là nhóm ngân hàng có từ 5 – 7 lần công bố hạ lãi suất. Tiếp đến là HDBank và OCB (cùng giảm 1,8%/năm); Vietcombank, MSB, và Agribank (cùng giảm 1,7%/năm).

Sau khi lãi suất tiết kiệm tiếp tục đà giảm các tháng gần đây, lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm thêm trong những tháng cuối năm.

Kế toán trưởng Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh Phạm Anh Tuấn cho hay: “Một khó khăn hiện nay là lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại vẫn đang cao. Cụ thể, khi vay VND phục vụ sản xuất – kinh doanh (vay ngắn hạn 5 – 6 tháng), DN hiện đang vay ngắn hạn tại một NHTM Nhà nước với lãi suất 6,8%/năm, còn vay tại khối NHTM cổ phần từ 7,7 – 7,8%/năm. Riêng các gói vay đầu tư (trung và dài hạn) thì lãi suất vẫn đang “neo” ở mức 11%/năm”. “Chúng tôi mong muốn ngành ngân hàng có các giải pháp kịp thời để tiếp tục cấp vốn, giảm lãi suất cho vay, giảm một phần gánh nặng tài chính cho DN, đảm bảo việc làm, chế độ cho lượng lao động” – ông Phạm Anh Tuấn kiến nghị.

Giám đốc hãng xe Sao Việt (Hà Nội) - Đỗ Văn Bằng cho biết, hiện tại thời điểm này, DN của ông không dám vay vốn mới để đầu tư vì lãi suất còn cao, trong khi hoạt động kinh doanh cũng chưa mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, DN còn đang nặng gánh với khoản vay trước đây chưa thể trả hết.

Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại MEBIPHA Lâm Thúy Ái, thông tin, thường các ngân hàng lấy lãi suất huy động cộng với biên độ 4-5%/năm. Nên lãi suất huy động chỉ cần 6 - 7%/năm, thì lãi vay cũng lên 11 - 12%/năm.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố bảng lãi suất vay ngân hàng mua nhà trong tháng 7/2023 của 13 ngân hàng. Theo đó, lãi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng dao động 10,5 - 15,5%/năm. Hầu hết các ngân hàng này đều áp 2 mức, lãi suất vay ưu đãi mua nhà trong 12 tháng đầu và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi vay giữa ưu đãi và không ưu đãi từ 2% đến 3,8%. Có nghĩa sau 12 tháng, lãi suất cho vay có thể tăng thêm 2-3%.

 

Hiện, ngoài một số khách hàng ưu tiên tiếp cận mức lãi vay 7 - 8%/năm, lãi suất cho vay phổ biến trên thị trường hiện nay đối với các DN vào khoảng 9 - 10%/năm. Cá nhân vay sẽ có mức cao hơn, từ 10 - 15%/năm. Trong khi đó, tốc độ giảm lãi suất huy động trên thị trường hiện nay so với đầu năm khá nhanh. Đối với các kỳ hạn gửi tiền dưới 6 tháng giảm từ 1,25 - 2,6%/năm, xuống còn 3,4 - 4,75%/năm. Kỳ hạn huy động tiết kiệm tiền đồng từ 6 tháng trở lên giảm từ 2 - 4%/năm, hiện nay dao động từ 5 - 8%/năm.

"Không nước nào có lãi suất cho vay thực cao như Việt Nam"

Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi lý giải, DN hiện chia thành 2 nhóm, một nhóm là thị trường đang chững lại, sức mua yếu, đơn hàng toàn cầu cũng hụt nhiều nên DN cũng chẳng muốn vay, trong khi nhóm còn lại bị vướng vào lãi suất cao nên cũng chẳng muốn kích cầu, sản xuất trong thời điểm này.

“Giải pháp bây giờ là cần tiếp tục hạ lãi suất cho mềm hơn để DN tiếp cận được vốn”- bà Chi kiến nghị

"Qua trao đổi với một số DN, đa số vẫn bị khó khăn ở vấn đề tài sản thế chấp, muốn vay thêm phải có tài sản thế chấp. Đó là chưa kể một số khoản vay cũ định giá lại tài sản bị giảm cũng làm giảm hạn mức vay. Ngoài ra, các DN cũng phải chứng minh dòng tiền, phương án vay… nên tiếp cận vốn vẫn đang hết sức khó khăn" -Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại MEBIPHA Lâm Thuý Ái nhận xét.

Đại diện nhiều DN cho biết, dù ngân hàng hứa sẽ cải thiện việc giải ngân vốn nhưng thực tế, vay được vốn ngân hàng vẫn "khó như lên trời".

Nhiều DN kiến nghị, đã đến lúc giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10% vì với lãi suất trung hạn trên 10% thì không có nền kinh tế nào khoẻ mạnh. Các nước phát triển áp dụng lãi suất trung hạn từ 3-5%.

Nhìn trên cả cục diện thị trường, các chuyên gia cho rằng, dư địa giảm lãi vay vẫn còn khá rộng. Đơn cử, CPI bình quân 7 tháng năm 2023 chỉ tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước, đều giảm so với các mức tương ứng là 3,29% và 4,74% của 6 tháng đầu năm 2023. Xu hướng lạm phát giảm ngày càng rõ nét.

Trưởng khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh Lê Đạt Chí, nhận xét, lãi suất cho vay còn cao, bất chấp NHNN 4 lần giảm lãi suất điều hành, tăng trưởng tín dụng thấp, đồng nghĩa với ngân hàng phải dư thừa vốn và lãi suất vay phải đi xuống. “Nhiều nước thậm chí duy trì cả lãi suất thực âm để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi Việt Nam lại duy trì mức thực dương cao là không có lợi cho nền kinh tế. Đây là vấn đề cần phải xem xét nếu quyết tâm hạ lãi vay”- vị chuyên gia chia sẻ.

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (VWAS) tổ chức ngày 8/8, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều DN đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.

Lấy ví dụ một DN trong lĩnh vực điện mặt trời vẫn phải trả lãi suất đi vay lên tới 17%/năm và mới chỉ được ngân hàng hứa giảm xuống 14%/năm vào tháng 9 này, ông Nghĩa cho biết: "Nếu trừ 4% lạm phát thì lãi suất thực là 10%, không có nước nào trên thế giới có lãi suất thực cao như vậy".

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất và có thể giảm  lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ DN.

 

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trả lãi trong 6 tháng lên 651,5 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.