Doanh nghiệp kỳ vọng nghị quyết sớm đi vào cuộc sống

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lấy phương châm người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, nhiệm kỳ qua TP Hà Nội đạt được những kết quả về kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, khẳng định vai trò trung tâm của đất nước, tạo tiền đề cho nhiệm kỳ tiếp theo. Cộng đồng DN đã và đang kỳ vọng những bước đột phá cho sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới khi sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP vào cuộc sống.

Sản xuất linh kiện điện tại Công ty CP Công nghiệp Á Châu, Cụm Công nghiệp Quất Động mở rộng,Thường Tín. Ảnh: Hải Linh
Khẳng định vai trò trung tâm
Nhìn chung về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội, lượng khách du lịch hàng năm và chỉ tiêu thành phần “xếp hạng chỉ số PCI” đã về đích trước kế hoạch 2 năm. 2 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch là tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và năng suất lao động xã hội bình quân. Sự phát triển mạnh mẽ đó đã khẳng định và củng cố vị thế Thủ đô: Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so năm 2015, bằng 8,6% cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đang đóng góp gần 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Sự phát triển kinh tế Thủ đô nêu trên là kết quả hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó, nổi bật động lực thể chế và khai thác các nguồn lực tư nhân nhờ cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn thuận lợi và hỗ trợ DN, khuyến khích đổi mới sáng tạo... Hà Nội quyết liệt chỉ đạo và liên tục cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhờ đó Chỉ số PCI của Hà Nội tăng hạng liên tục 7 năm liền và năm 2018, 2019 lên vị trí thứ 9, tăng 15 bậc so năm 2015, tăng 42 bậc so năm 2012. Lũy kế 5 năm có khoảng 130.000 DN thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015; bình quân hơn 26.000 DN thành lập mới hàng năm, với số vốn khoảng 14,2 tỷ đồng/DN, gấp hai lần so giai đoạn 2011 - 2025.

Khu vực kinh tế tư hiện thu hút khoảng 83% tổng số lao động xã hội và đóng góp trên 22% GRDP, so với mức 20,8% của năm 2015. Kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã phát triển khá, ngày càng đa dạng. Năm 2019, TP có 1.942 hợp tác xã, tỷ lệ hoạt động hiệu quả khoảng 65%. 1.350 làng nghề và làng có nghề (305 làng nghề được công nhận) được khuyến khích tiếp tục phát triển. Mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”, tích hợp các dịch vụ tiện ích trong đăng ký kinh doanh, được triển khai từ năm 2017 đã giúp DN giảm đáng kể thời gian khởi sự kinh doanh…

Tạo đột phá trong giai đoạn mới

TP thường xuyên chỉ đạo các ngành triển khai các kế hoạch, chương trình với nhiều nội dung thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển, tăng trưởng về chất lượng và hiệu quả, phát triển DN đổi mới sáng tạo, DN công nghệ số; Tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các DNNVV phát triển; Thúc đẩy hình thành liên kết giữa các DNNVV, cũng như các DN dẫn dắt trong chuỗi (DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN lớn trong nước); Hỗ trợ DNNVV tham gia thành công cụm liên kết, chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của DNNVV TP.

Bên cạnh đó, để tạo thị trường tiêu thụ hàng hoá và phát triển thị trường xuất khẩu, TP hàng năm chi hàng trăm tỷ đồng cho chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch... Từ đó, DNNVV được tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bằng các chương trình đổi mới KHCN và kết nối cung cầu hàng hoá giữa các DN với các vùng miền cả nước, đưa sản phẩm Thủ đô về các tỉnh và ngược lại tiêu thụ nông sản vùng miền tại Thủ đô; Các chương trình kết nối ngân hàng với DN được đầu tư quan tâm và các DNNVV được vay ưu đãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng trưởng hàng năm từ 10 - 15%...

Cộng đồng DN kỳ vọng sau Đại hội lần này, các đại biểu tập trung trí tuệ, bàn các giải pháp, phương hướng để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII vào cuộc sống. Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ lãnh đạo một nhiệm kỳ mới phát huy được thành quả của nhiệm kỳ cũ và tạo đột phá cho sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới. Nhất là phát triển kinh tế với những đột phá mạnh mẽ về cải cách TTHC, với nền công vụ hiện đại, đổi mới công tác cán bộ, công chức thực sự vì cộng đồng DN và người dân để tạo nên một bước ngoặt lớn xứng đáng là Thủ đô của lương tri phẩm giá con người và mạnh dạn có chính sách đặc thù phát triển kinh tế Thủ đô.
Trước bối cảnh của đại dịch Covid-19, TP luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, cải cách hành chính, “đồng hành cùng DN” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”. TP đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng.