Doanh nghiệp loay hoay đối phó với mất điện

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tác động của việc thiếu điện, nhất là cắt điện liên tục gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất khi đảm bảo tiến độ các đơn hàng, mất năng lực cạnh tranh, đảm bảo đời sống người lao động.

Cắt điện, mất điện khiến hàng loạt doanh nghiệp phải loay hoay tìm phương án đối phó.

Doanh nghiệp than khó vì mất điện ảnh hưởng sản xuất. Ảnh: Nguyên Dương
Doanh nghiệp than khó vì mất điện ảnh hưởng sản xuất. Ảnh: Nguyên Dương

Lao đao vì thiếu điện

Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ cơ khí Sao Việt (Savimec) Ngô Sách Vinh cho biết, tác động của việc cắt điện sản xuất làm tăng chi phí, đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giao hàng sẽ không đúng tiến độ, khiến chuỗi sản xuất bị gián đoạn, có thể dẫn đến hủy đơn hàng…

“Khi không đáp ứng được kế hoạch giao hàng sẽ làm giảm uy tín của doanh nghiệp với các đối tác, nhất là đối tác FDI. Đi đôi với đó, việc cắt điện liên tục trực tiếp làm giảm thu nhập của người lao động, ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động vì phải điều chỉnh ca, thời gian liên tục” - ông Ngô Sách Vinh ngậm ngùi.

Doanh nghiệp loay hoay đối phó với mất điện - Ảnh 1
Doanh nghiệp loay hoay đối phó với mất điện - Ảnh 2
Doanh nghiệp loay hoay đối phó với mất điện - Ảnh 3
 

Việc cắt điện liên tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để ứng phó với việc cắt điện, đại đa số doanh nghiệp, trong đó có Savimec vẫn là bài toán khó. Doanh nghiệp có đầu tư máy phát điện thì chi phí lớn, khấu hao lớn, bởi thời gian sử dụng ít, không phù hợp.

Nếu đầu tư năng lượng tái tạo, cụ thể điện mặt trời thì không được bán lên hệ thống điện, mà chỉ tự sản tự tiêu dẫn tới chi phí tốn kém, đầu tư không hiệu quả. Nhưng cũng phải tính đến phương án tự đầu tư năng lượng tái tạo để có thể đáp ứng kế hoạch sản xuất, kịp tiến độ giao hàng. Dù vậy sẽ làm tăng giá bán sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết bị điện tử MBT Trần Văn Nam cho biết, việc thiếu điện, cắt điện luân phiên ảnh hưởng rất lớn đến công việc sản xuất kinh doanh; Kế hoạch sản xuất kinh doanh bị đảo lộn, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm khi chi phí tăng cao; Mất uy tín với khách hàng do các dự án bị chậm tiến độ.

“Nếu tình trạng này còn kéo dài, doanh nghiệp cũng chỉ còn cách chủ động đầu tư thêm máy phát điện để đáp ứng những đơn hàng cấp bách đảm bảo tiến độ” – vị này nói. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời khi phải đầu tư chi phí vận hành máy phát ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ tình hình thực tế, doanh nghiệp sẵn sàng chung tay để giảm áp lực cho ngành điện và xã hội nói chung qua mùa nóng, thiếu điện. Song doanh nghiệp mong muốn, điện lực cần có kế hoạch cắt điện, thời gian thông báo trước càng sớm càng tốt. Khi đó, doanh nghiệp sắp xếp làm đêm, làm thêm vào những ngày có điện, để không bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, điện lực cần truyền thông mạnh hơn nữa để mọi người cùng chung tay góp phần tiết kiệm điện.

Bị động khi cắt điện liên tục

Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Vũ Khắc Tiệp thẳng thắn, là đơn vị sản xuất thực phẩm thuộc nhóm hàng thiết yếu do bị cắt điện nên năng lực sản xuất giảm xuống 40%. Năm 2022, Song Phương đã hiện đại hoá từ dây chuyền sản xuất đến khâu đóng gói kiểm soát chất lượng, nên 90% sử dụng điện năng.

Công nhân doanh nghiệp Song Phương do mất điện phải ngồi nghỉ trong phân xưởng. Ảnh: Nguyên Dương
Công nhân doanh nghiệp Song Phương do mất điện phải ngồi nghỉ trong phân xưởng. Ảnh: Nguyên Dương

Thời gian mất điện nên công nhân phải nghỉ giữa ca sản xuất. Doanh nghiệp vẫn phải chi trả lương, còn phải sắp xếp tăng ca dẫn đến chi phí nhân công tăng cao. Việc sử dụng máy phát điện, doanh nghiệp có tính đến nhưng chi phí sản xuất tăng quá cao nên còn phải cân nhắc.

Phó Giám đốc Vũ Khắc Tiệp lo ngại, trong thời gian tới, doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước châu Âu lại đúng vào thời điểm nắng nóng kéo dài. Khả năng cắt điện kéo dài và mật độ dày hơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đơn hàng cùng chi phí.

Dịch Covid-19 vừa qua, doanh nghiệp cũng đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất, khó khăn chồng chất khó khăn. Nếu tiếp tục kéo dài, khả năng mất hợp đồng vào các doanh nghiệp ở thị trường phía Nam là rất lớn.

Để khắc phục tình trạng và tiết kiệm điện, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm phương án có thể sắp xếp ca kip luân phiên, cắt giảm một số khâu từ máy móc sang làm thủ công. Như vậy cần một nguồn lao động rất lớn.

Theo Giám đốc Công ty TNHH cơ khí chính xác Hà Nội CNC (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) Nguyễn Minh Châu, điện là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Trước dự báo sản lượng điện không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong mùa cao điểm năm 2023, cuối tháng 5, doanh nghiệp đã thực hiện ký kết "Thỏa thuận đồng hành cùng EVN" khi nhận được yêu cầu phối hợp với điện lực khu vực cắt giảm phụ tải (giảm lượng điện tiêu thụ khi nhận được thông tin yêu cầu). Tuy nhiên thực tế việc giảm tải (giảm phụ tải, hoặc cắt điện) như hiện nay khiến doanh nghiệp rất nhiều khó khăn và thách thức trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Kinh tế năm 2023 suy thoái kéo theo đơn hàng giảm sút, các đơn hàng, dự án được triển khai thường có yêu cầu tiến độ ngắn, gấp. Kết hợp với việc mất điện khiến doanh nghiệp bị động trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất.

Trước thực tế đó, doanh nghiệp đề ra các giải pháp: Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng điện trong nhà máy; Động viên và sắp xếp điều chỉnh lịch làm việc của người lao động; Chia sẻ thông tin mất điện với các bên liên quan, báo cáo khách hàng ngay khi sắp xếp và đối ứng kế hoạch mới; Xin kéo dài thời gian thực hiện một số đơn hàng trong phạm vi cho phép...

“Thấu hiểu khó khăn của ngành điện, nhưng doanh nghiệp mong nhận được kế hoạch cắt điện sớm, nhằm đủ thời gian điều tiết, sắp xếp kế hoạch sản xuất cũng như thông báo tới nhà cung cấp, khách hàng” – vị này nêu.