Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được nới các điều kiện bảo lãnh tín dụng?

D. Tùng - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo nên xem xét bỏ bớt các điều kiện như điều kiện về tài sản bảo đảm, bởi theo quy định của pháp luật thì thậm chí các tổ chức tín dụng, cấp tín dụng cũng không bắt buộc trong mọi trường hợp cho vay phải có tài sản bảo đảm”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị.

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. 

Ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiếm đại biểu góp ý về quy định tại dự thảo về hỗ trợ thuế, kế toán (điều 10). Cụ thể, dự thảo quy định: “DN nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN”.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng tại phiên thảo luận.
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định cần có chính sách thuế ưu đãi hơn mức thuế phổ thông theo quy định của luật và chỉ hỗ trợ có thời hạn.
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét quy định DN nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất, thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường.
“Tôi cho rằng quy định này không thể áp dụng được vì pháp luật về thuế thu nhập DN đã quy định cụ thể, chi tiết thuế suất áp dụng đối với từng loại hình DN, không có quy định cho thuế suất cao hay thuế thấp”, đại biểu cho biết.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng áp dụng mức thuế suất, thuế thu nhập DN bằng 85 hoặc 90% mức thuế suất thấp nhất theo pháp luật về thuế thu nhập DN.
Nới điều kiện bảo lãnh tín dụng
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị, các quy định về các điều kiện để DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn tín dụng phải khả thi, thực tế. Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần xem xét lại quy định về bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa dựa trên tài sản bảo đảm, chứng từ có giá, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, xếp hạng tín nhiệm của DN.
Bởi việc bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa dựa trên đủ những yếu tố này không khác nào các chính sách cấp tín dụng hiện nay của các tổ chức tín dụng trên thị trường, “nghĩa là không có gì ưu đãi, ưu việt hay thuận lợi cho DN nhỏ và vừa”. Hay nói cách khác chính sách hỗ trợ này không khả thi trên thực tế, thậm chí còn phức tạp hơn DN nhỏ và vừa gõ cửa các tổ chức tín dụng.
Bởi lẽ, qua bảo lãnh tín dụng của Nhà nước còn thêm thủ tục, thêm thời gian, không phải đối tượng nào cũng được hưởng nên không thể nhanh chóng và thuận lợi bằng việc vay vốn trực tiếp từ các tổ chức tín dụng.
“Tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo nên xem xét bỏ bớt các điều kiện như điều kiện về tài sản bảo đảm, bởi theo quy định của pháp luật thì thậm chí các tổ chức tín dụng, cấp tín dụng cũng không bắt buộc trong mọi trường hợp cho vay phải có tài sản bảo đảm”, đại biểu đề nghị.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng góp ý về quy định hỗ trợ tiếp cận tín dụng của các DN nhỏ và vừa. Đa số các đại biểu đồng tình với quyết định giao Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng tăng cho vay đối với các DN nhỏ và vừa trong từng thời kỳ.