Doanh nghiệp ở ĐBSCL lao đao vì giá cát

Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá cát do cơ quan có thẩm quyền ở các địa phương công bố chênh lệch lớn với giá thị trường kéo dài nhiều năm qua đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Vấn đề “nóng” nhất hiện nay là giá cát ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Giá cát cao lại khan hiếm

Sau khi vụ án “khai thác cát trái phép” xảy ra tại tỉnh An Giang bị phanh phui, chính quyền nơi đây đã siết chặt công tác quán lý bằng cách “đóng cửa” hàng loạt mỏ cát trên địa bàn để kiểm tra. Động thái này ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường cát vùng ĐBSCL. Giá cát ngay tại mỏ trên sông Tiền và sông Hậu lập tức tăng từ 115 ngàn đồng/m3 lên 135 ngàn đồng/m3. Hiện Giá cát ngoài thị trường đã tăng 70.000 - 80.000 đồng/m3.  Trong khi đó giá cát nhập từ Campuchia về chệnh lệch với thị trường trong nước cả trăm ngàn đồng//m3.

Việc “đóng cửa” hàng loạt mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang đã làm cho giá cát tại khu vực ĐBSCL tăng mạnh. Khai thác cát trên sông Tiền. Ảnh Hồng Lĩnh.
Việc “đóng cửa” hàng loạt mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang đã làm cho giá cát tại khu vực ĐBSCL tăng mạnh. Khai thác cát trên sông Tiền. Ảnh Hồng Lĩnh.

Ông Nguyễn Tuấn – một doanh nghiệp chuyên mua cát cung cấp cho các nhà thầu than thở: “Bây giờ mua cát khó hơn cả mua vàng. Ghe, tàu nằm chờ cả chục ngày trên sông không mua được cát đành cho về, chứ nằm đó tiền đâu mà nuôi quân, trả tiền thuê tàu… Trước đây bình quân tôi mua 10 ngàn m3 cát mỗi tháng, trong tháng 8 vừa qua chỉ mua được hơn 1 ngàn m3. Tình trạng này kéo dài chắc phá sản quá”.

Chuỗi cung ứng cát bị đứt gãy đã tác động lớn đến các công trình đang thi công, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc đang được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Tại ĐBSCL hiện có 4 dự án đường cao tốc là công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai gồm: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh với tổng chiều dài 355km, tổng vốn đầu tư hơn 82.800 tỷ đồng. Để xây dựng các tuyến đường này, nhu cầu cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3, nhưng đến nay, nhiều dự án đình trệ do nằm chờ cát.

Mới đây, ngày 5/9 tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc về bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khu vực ĐBSCL. Sau khi nghe các báo cáo về khan hiếm nguồn cung cấp cát dẫn đến chậm tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang báo cáo ngay về hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh An Giang; trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, vi phạm của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp vật liệu san lấp phục vụ các dự án đường cao tốc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và đoàn công tác kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau ngày 5/9. Ảnh Hồng Thắm
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và đoàn công tác kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau ngày 5/9. Ảnh Hồng Thắm

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cấp phép khai thác mỏ cho nhà thầu để bảo đảm đủ nguồn cát san lấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, hoàn thành trước ngày 25/9/2023; đồng thời có trách nhiệm điều phối đủ nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc đi qua địa bàn.

Doanh nghiệp kêu lỗ 140 tỷ vì… cát

Ông V. Tổng Giám đốc một Công ty xây dựng hàng đầu ở ĐBSCL (xin không nêu tên) cho phóng viên báo kinh tế & Đô thị biết: Trong các khoản vật liệu xây dựng phải bù lỗ thì cát là mặt hàng công ty phải bù l,ỗ nhiều nhất. Cụ thể: Năm 2022 công ty mua 1.360.000 m3 cát (giá do Sở Xây dựng An Giang công bố là 72.000 đ/m3), trong khi thực tế mua tại mỏ trên sông Tiền và sông Hậu lên đến 120,000 đ/m3, phải bù lỗ 48.000 đ/m3 . Như vậy, tổng cộng năm 2022 công ty thanh toán lỗ so với công bố của Sở Xây dựng An Giang giá tại mỏ là 65 tỷ.  Năm 2023 tổng khối lượng cát công ty cần mua phục vụ các công trình là 1.550.000 m3 nếu tính giá cũ chúng tôi sẽ phải bù lỗ khoảng 75 tỷ. Còn với giá cát “nhảy múa” bất thường kéo dài như hiện nay thì số tiền phải bù lỗ không biết lên đến bao nhiêu. Tình hình hiện nay là doanh nghiệp nào dùng càng nhiều cát càng…lỗ.

Doanh nghiệp ở ĐBSCL lao đao vì giá cát - Ảnh 1
Giá cát  ngành chức năng tỉnh An Giang công bố chênh lệch rất lớn so với giá trên thị trường. (Ảnh minh họa)
Giá cát  ngành chức năng tỉnh An Giang công bố chênh lệch rất lớn so với giá trên thị trường. (Ảnh minh họa)

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty của ông V. chỉ là một trong hàng ngàn doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng ở ĐBSCL bị thiệt hại trong việc “Thông báo giá” không sát với thực tế. Giá vật liệu xây dựng trên thị trường hầu hết cao hơn giá công bố (để thanh toán trong các công trình xây dựng có vốn nhà nước) của ngành chức năng các tỉnh.

Hội doanh nghiệp một số tỉnh đã từng có đơn kiến nghị: Điều chỉnh giá vật liệu, đơn giá nhân công, hệ số nhân công, hình thức hợp đồng, hình thức quyết toán giá hợp đồng, bù chênh lệch giá cho các hợp đồng trọn gói, đồng thời xem xét lại thời điểm thông báo giá phù hợp cho việc lập dự toán đầu tư và giá gói thầu tại thời điểm đấu thầu… Tuy nhiên hầu hết những kiến nghị này vẫn nằm… trên giấy.

Đại diện các nhà thầu tỉnh Kiên Giang trong một bản kiến nghị: Điều chỉnh giá vật liệu, đơn giá nhân công... cho phù hợp với thực tế thị trường. (Ảnh minh họa)
Đại diện các nhà thầu tỉnh Kiên Giang trong một bản kiến nghị: Điều chỉnh giá vật liệu, đơn giá nhân công... cho phù hợp với thực tế thị trường. (Ảnh minh họa)

Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), dự báo trong quý III/2023, giá cát, đá xây dựng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu rất lớn về các loại vật liệu xây dựng này từ hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm được khởi công.

Theo ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng: Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng.

Đồng thời sẽ tổng hợp, cập nhật các vướng mắc của địa phương phản ánh trong quá trình thu thập, công bố giá vật liệu xây dựng để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc công bố giá vật liệu xây dựng, nhân công, giá thi công, chỉ số giá xây dựng bảo đảm đúng tần suất, thời gian và thống nhất trong cả nước.Bộ Xây dựng cũng đã có kế hoạch kiểm tra, làm việc với các địa phương nơi có công trình trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay... đang triển khai để có những hướng xử lý về vấn đề nguồn vật liệu cho các dự án.