Doanh nghiệp phương Tây sống dở chết dở khi Nga trả đũa

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những hạn chế mới của Nga khiến các công ty phương Tây lâm cảnh "đi cũng dở, ở cũng không xong".

Ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, một loạt công ty phương Tây đã rút khỏi Moscow. Một số khác trước đó chưa thể rời đi thì giờ đây đang vấp phải nhiều cản trở khi nỗ lực rút khỏi thị trường này.

Nếu muốn rời đi, rất có thể họ sẽ phải đối mặt với những thiệt hại lớn về tài chính và danh tiếng, buộc phải cân nhắc thận trọng trước những quyết định sống còn.

Những hạn chế mà ông Putin đưa ra đang khiến doanh nghiệp phương Tây chịu nhiều rủi ro khi muốn rời đi. Nguồn: CNBC
Những hạn chế mà ông Putin đưa ra đang khiến doanh nghiệp phương Tây chịu nhiều rủi ro khi muốn rời đi. Nguồn: CNBC

Trả lời CNBC, Nabi Abdullaev, đối tác của Control Risks cho biết: “Một số công ty quyết định ở lại Nga vì tại thời điểm này việc rời đi sẽ gặp nhiều rủi ro hơn ở lại”.

Phần lớn những khó khăn bắt nguồn từ việc chính phủ Nga liên tục thay đổi các quy định đối với các công ty đa quốc gia muốn rời khỏi đất nước, khiến quá trình này trở nên phức tạp và kéo dài hơn bình thường.

Ông Abdullaev cho biết, những công ty áp dụng phương pháp cắt giảm sẽ gặp nguy hiểm khi tài sản của họ bị chính phủ Nga tịch thu và có thể đối mặt với cáo buộc hình sự.

Vào tháng 7, cổ phiếu của Carlsberg và Danone tại Nga đã bị Tổng thống Nga Vladimir Putin tịch thu và trao cho những đồng minh. Động thái này khiến nhiều doanh nghiệp phương Tây khác phải dè chừng với ý định rời đi.

Các công ty phương Tây đang đối mặt với nhiều rủi ro tại thị trường Nga khi cơ hội rời đi ngày càng thu hẹp và họ có thể bị cuốn vào một cuộc xung đột địa chính trị lớn.

“Việc tịch thu tài sản Danone và Carlsberg của chính phủ Nga đang khiến những công ty thuộc các quốc gia không thân thiện còn lại cảm thấy bất an khi họ có thể sẽ trở thành mục tiêu trong bất kỳ thời điểm nào” - Maria Shagina, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với CNBC.

Hiện còn khoảng 500 công ty phương Tây vẫn hoạt động ở Nga, trong đó có những tên tuổi lớn như: Unilever, Nestlé, Philip Morris, UniCredit, Raiffeisen và PepsiCo.

Một số công ty này phải cam kết tìm người mua lại hoặc cắt giảm hoạt động. Tuy nhiên, một khi còn hoạt động tại Nga, họ vẫn phải đóng thuế cho chính phủ. Điều này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các quốc gia chống Nga. Thậm chí, chính phủ Ukraine đã gán cho Unilever và vài hãng khác là nhà tài trợ chiến tranh.

Unilever cho biết họ sẽ không đầu tư thêm vốn vào Nga hoặc thu lợi nhuận từ các hoạt động ở nước này.

Lo ngại rủi ro

Việc Heineken cố rời khỏi Nga khiến ông lớn ngành bia này phải đối mặt vô vàn khó khăn và kéo dài thời gian với số nhân viên lên đến 1.800 người.

Họ cho biết khó khăn lớn nhất là Chính phủ Nga quốc hữu hóa các doanh nghiệp phương Tây ở Nga và xin phê duyệt xuất cảnh.

Heineken đang cảm thấy khó chịu với việc chính phủ Nga sẽ hưởng lợi từ những tài sản thôn tính được.

Vào ngày 25/8, Tập đoàn Arnest của Nga đồng ý mua lại Heineken. Theo Trường Kinh tế Kyiv, doanh thu của Heineken ở Nga vào năm 2022 là 613 triệu USD.

Nhiều công ty khác muốn rời khỏi Nga đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt do chính phủ Moscow đưa ra, làm dấy lên lo ngại về việc bị tước quyền sở hữu. Một số công ty khác lại chọn cách tiếp tục hoạt động tại Nga vì ít rủi ro hơn.

Shagina cho biết: “Nhiều công ty trong lĩnh vực dân sự và nhân đạo vẫn tiếp tục hoạt động vì không bị đưa vào tầm ngắm”.

Một số người đã chỉ trích các biện pháp của Nga. Giám đốc tài chính của Norsk Hyrdo, Pål Kildemo cho biết công ty họ đang gặp khó khăn.

Tại Nga, môi trường kinh doanh đang thay đổi, với việc gia tăng thị phần của các công ty không thuộc phương Tây, trong khi đó nhiều ông lớn đã thu hẹp quy mô.

Andrius Tursa, cố vấn khu vực Trung và Đông Âu tại Công ty Tư vấn Rủi ro Teneo, cho biết: “Tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế và sự ra đi của hàng trăm công ty phương Tây có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kinh tế Nga cũng như tăng trưởng trong tương lai”.