Doanh nghiệp "rút ví" nghìn tỷ, tăng tốc dự trữ hàng Tết

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dù Covid-19 khiến thu nhập cũng như nhu cầu suy giảm nhưng các doanh nghiệp bán lẻ vẫn chi hàng nghìn tỷ đồng dự trữ hàng Tết. Thậm chí, nhiều chuỗi siêu thị còn dự trữ nguồn hàng thiết yếu tăng 25% so với năm trước.

Tăng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết
Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại các siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu.
Theo Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại (Hapro) Vũ Thanh Sơn, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, Hapro đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá gần 1.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội.
 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro Thành Công.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng thông tin, BRG Retail đã phối hợp với các nhà cung cấp lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2 - 3 lần.
Còn Giám đốc Cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ Tạ Thị Minh Hợp cho biết, doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung ứng, chốt lượng hàng dự trữ tăng 40 - 50% so với bình quân các tháng trong năm, trong đó tập trung vào nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.
Tại Co.op Mart Hà Nội, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngay từ đầu tháng 11/2021, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (đơn vị quản lý khai thác hệ thống siêu thị Co.op Mart) đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.
Hiện, sở công thương các tỉnh, thành phố đã kích hoạt những phương án cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán. Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng, triển khai phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 39.000 tỷ đồng.
Chống đứt gãy chuỗi cung ứng
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, trong quá trình chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới đòi hỏi doanh nghiệp, sở công thương địa phương cần chú trọng chủ động rà soát cung cầu và phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
“Trong trường hợp phải thực hiện giãn cách xã hội khi dịch Covid-19 cấp độ cao, thông qua các doanh nghiệp bán lẻ, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc điều tiết, kịp thời bổ sung, hàng hóa giữa các địa phương hoặc những vùng có dịch, qua đó chống đứt gẫy cung cầu” - ông Trần Duy Đông nêu rõ.
Nói về việc chống đứt gẫy chuỗi cung cầu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện kênh bán hàng truyền thống trên địa bàn Thủ đô gồm có 28 hệ thống trung tâm thương mại; 123 hệ thống siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cùng với đó, Hà Nội duy trì các kênh bán hàng qua website, hotline, app… 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến. Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện bố trí làm kho, điểm bán hàng lưu động.
Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, nhằm tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa hiện doanh nghiệp bán lẻ đã triển khai thêm các hình thức bán hàng để tăng nguồn cung. Riêng các mặt hàng tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, cá, rau củ quả… đều đã có nguồn cung ổn định tại các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Lâm Đồng và vận chuyển về TP Hồ Chí Minh.
Nhằm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chuỗi cung cầu hoạt động. Cụ thể, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa; phối hợp với Bộ Quốc phòng hỗ trợ về nguồn nhân lực (bán hàng, giao hàng, kho vận, tài xế); phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn phương án xử lý trong trường hợp có ca F0 tại cửa hàng, kho hàng...
“Bộ Công Thương tiếp tục làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Ý kiến của các nhà quản lý, doanh nghiệp cho thấy để không xẩy ra tình trạng khan hàng, tăng giá trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần thì việc chống đứt gẫy chuỗi cung cầu là giải pháp hữu hiệu mà doanh nghiệp cần chú trọng.

Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND, sở công thương các tỉnh, thành và đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn xây dựng phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông

Để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ tết, ngay từ giữa năm 2021 Co.opmart đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị tăng cường lượng hàng thiết yếu lên 2 - 3 lần. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho dự trữ các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thực phầm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản.

Giám đốc Khối vận hành hoạt động hệ thống siêu thị Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng