Doanh nghiệp tư nhân đang vươn lên mạnh mẽ

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực DN tư nhân đang vươn lên mạnh mẽ, đóng góp khoảng 39 - 40% GDP, tỷ lệ này có thể tăng đến 42%, thậm chí có thể đạt tới 60 - 65% như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần có một cơ chế đồng bộ và DN cần có nhiều kiến nghị để xóa bỏ rào cản, khó khăn cho chính mình.

“DN đã bớt lẻ loi”
Điểm lại năm 2017, kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc khi 13 chỉ tiêu Quốc hội giao Chính phủ đều đạt và vượt, GDP tăng tới 6,81%, kinh tế quý I/2018 cũng tăng trưởng tốt với nhiều con số lạc quan. Đóng góp vào kết quả này có một phần không nhỏ từ DN tư nhân và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cảm nhận: “DN không còn cô đơn, đang cảm thấy ấm lòng trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, sự chuyển động tích cực của các bộ, ngành, địa phương”.
 Sản xuất bình nóng lạnh tại nhà máy Sơn Hà ở CCN thị trấn Phùng-Đan Phượng.l Ảnh: Hoài Nam
Ví như Bộ Tài chính đã thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bộ Công an đã tích cực triển khai áp dụng visa điện tử. Bộ Công thương bãi bỏ thông tư 37 về formaldehyde với dệt máy, bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng, bỏ quy hoạch xuất khẩu gạo... Bộ NN&PTNT đề xuất nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nông nghiệp nông thôn… Bộ Xây dựng bỏ yêu cầu xây dựng quy hoạch 1/500 đối với dự án phát triển nông nghiệp… là những ví dụ điển hình.

Cũng theo ông Lộc, một số địa phương đi đầu trong việc triển khai Nghị quyết như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp… Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, đưa công cụ hỗ trợ đến tận xã, phường, khu dân cư tập trung; Quảng Ninh đi đầu trong việc tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ban, ngành. Đà Nẵng đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, xử lý thủ tục hành chính theo phương châm hết việc chứ không phải hết giờ. Đồng Tháp đi tiên phong trong cơ chế đối thoại, giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho DN và nhà đầu tư, duy trì “cà phê doanh nhân” hàng tuần thân thiện… Những thực tiễn tốt này đang được lan tỏa.

"Với những kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua, năm 2018, Sở KH&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN với 2 thông điệp được nhấn mạnh, đó là: Giữ vững tỷ lệ hồ sơ DN trực tuyến và đạt được các yêu cầu cho một cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện. Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với 30 quận, huyện, thị xã" - Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền


"Cần phải thay đổi cơ chế để DN phát triển chứ DN không cần Nhà nước cho tiền. Năm 1986, đất nước đổi mới là đổi mới về cơ chế khi chia đất cho nông dân chứ khi đó làm gì có tiền. Kết quả là đổi mới đã mang đến những thay đổi căn bản về kinh tế" - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Trưởng nhóm công tác về nông nghiệp của VPSF Trần Mạnh Báo

Theo ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF), đây thực sự là những động thái tích cực, tạo nên một xung lực mạnh mẽ về niềm tin, nỗ lực, hợp tác và cùng chung tay thúc đẩy của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN.

Vẫn nơm nớp nỗi lo

Mặc dù vậy, ông Lộc cũng không ngần ngại chỉ ra những bất cập còn tồn tại, tích tụ từ nhiều năm trước. Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, cao hơn 2 lần so với Singapore...

Chi phí về vận tải và logistics hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN ở Việt Nam. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC), nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển… càng làm tăng gánh nặng cho DN…

Ông Lộc cho rằng: “Khi nói đến Chính phủ kiến tạo, chúng ta hay nói nhiều đến hỗ trợ, đến ưu đãi… nhưng cái cần nhất với DN không phải là hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về tài chính, nếu có thì nên hỗ trợ theo hướng giúp DN nâng cao năng lực về quản trị”. Hỗ trợ không nên bằng cách can thiệp hành chính vào thị trường và DN. Các DN cần nhất là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng, cần một hệ thống TTHC đơn giản và thuận tiện, cần một nền tư pháp bảo vệ cho họ được an toàn. Nhưng hệ thống pháp luật về kinh doanh còn khá nhiều bất cập, thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê.
Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương không hình sự hóa đã có nhiều tiến bộ, nhưng DN vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán “sớm nắng chiều mưa”, “ông nói gà, bà nói vịt” hay sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi và hiện tượng hồi tố đối với các hoạt động kinh doanh, việc chậm trễ và thiếu công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp của DN lại đang là điểm quan ngại hàng đầu.
 Sản xuất tôn tại nhà máy, Tập đoàn Hoa Sen - doanh nghiệp đạt top 10 Sao vàng đất Việt 2015. Ảnh: Thế Anh
"DN phải tự nâng cấp”

Không phủ nhận môi trường đầu tư đã và đang có nhiều cải thiện, song vẫn còn nhiều điểm chưa hài lòng, chính điều này cũng đã cản trở không nhỏ tới sự lớn mạnh của DN. Theo khảo sát của VCCI, Việt Nam đang thiếu vắng rất nhiều những DN cỡ lớn và vừa trong nền kinh tế. “Với một nền kinh tế đang phát triển, việc thiếu vắng những DN lớn là điều dễ hiểu, nhưng Việt Nam không chỉ ít DN lớn mà còn thiếu cả DN vừa” - ông Lộc đánh giá.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, cộng đồng DN phải tư nâng cấp mình để phù hợp với nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, họ cũng cần chung tay với Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong thời gian qua, Chính phủ cùng các cơ quan bộ, ngành đã có rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho DN như cải cách TTHC, cắt giảm giấy phép con… Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, cải cách là một hành trình cần thời gian đủ dài để hoàn thiện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực cũng cần thời gian để nâng cấp, từng bước cải thiện đi lên. Hiện Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các cơ quan bộ, ngành, địa phương đã có những nỗ lực rất quyết liệt về mọi mặt, đặc biệt thúc đẩy việc cải cách với các mục tiêu rất cụ thể như đã đề ra trong Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam cũng tin rằng, để kinh tế tư nhân vươn lên hơn nữa thì việc DN chủ động kiến nghị chính sách là điều rất cần thiết, tuy nhiên kiến nghị thì cần có thời gian để được giải quyết, và bản thân DN cũng phải nỗ lực tự thân.

"59% các DN cho rằng họ vẫn còn phải chi trả các chi phí không chính thức và 28% DN cảm thấy chưa hài lòng đối với chất lượng thi hành công vụ của các cơ quan chính quyền" - Trích Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 của VCCI

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần